Phát biểu khai mạc hội thảo, Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã ôn lại giai đoạn lịch sử, công lao, chiến công hiển hách của Ngô Quyền góp phần lập nên nhà nước tự chủ và độc lập, sau hơn nghìn năm Bắc thuộc… đồng thời nhấn mạnh: “Chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền có ý nghĩa lịch sử to lớn, là mốc son chói lọi chấm dứt hơn một nghìn năm Bắc thuộc; phá tan mưu đồ “đồng hóa” của chủ nghĩa Đại Hán tộc; mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - Kỷ nguyên phát triển của quốc gia phong kiến độc lập, tự chủ, trên đất nước Việt Nam. Chiến thắng Bạch Đằng lịch sử là cơ sở để mùa Xuân năm 939, Ngô Quyền tiến lên xây dựng một chính quyền hoàn toàn độc lập. Ông xưng Vương hiệu, định đô ở Cổ Loa - kinh đô của nhà nước Âu Lạc thời An Dương vương và trị vì từ năm 939 đến năm 944”.
Tại hội thảo đã có trên 20 bài tham luận của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu chủ yếu thể hiện một số nội dung về hoàn cảnh lịch sử đầu thế kỷ X, quê hương, gia đình và thân thế, sự nghiệp của Ngô Quyền.
Các nhà khoa học đều đồng ý với chủ trương của Hà Nội phải cấp bách xây dựng đền thờ Ngô Quyền ở khu vực đền Cổ Loa.
Theo TS khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký hội Khoa học lịch sử TP. Hồ Chí Minh thì việc lựa chọn xây đền Ngô Quyền cần xin ý kiến cộng đồng của cư dân chung quanh, của Hà Nội và cả nước và xin ý kiến cả liên ngành.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết, Ban tổ chức sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều hội thảo khoa học nữa để lấy ý kiến xây dựng đền Ngô Quyền.
Phát biểu kết thúc hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, kết quả của Hội thảo khoa học "Ngô Quyền - vị tổ trung hưng đất nước" là nguồn tư liệu khoa học nhằm khẳng định vị trí và vai trò của Ngô Quyền và triều Ngô trong tiến trình lịch sử Việt Nam, cũng như những đóng góp về mặt lịch sử, khoa học đối với di tích Cổ Loa, củng cố cơ sở khoa học phục vụ dự án xây dựng đền thờ Ngô Quyền để tỏ lòng thành kính đối với vị tổ trung hưng của dân tộc Việt Nam. Những nội dung đóng góp trong hội thảo sẽ được thành phố tiếp tục nghiên cứu, quyết định thực hiện trong thời gian tới, trong đó, việc xây dựng đền thờ Ngô Quyền được định hình theo quy hoạch 1/2000 đã được Thủ tướng phê duyệt./.
Thực hiện: Cao Thắng - Quốc Hùng
Mời quý vị xem các Tin tức đã phát sóng tại đây./.