Từ vài năm nay, nhiều hộ dân ở thành phố Hưng Yên đã đầu tư hệ thống máy sấy bằng điện để nâng năng suất và đảm bảo an toàn vệ sinh hơn. Bình quân nếu sấy bằng lò thủ công chỉ được khoảng 30 đến 40kg/ngày. Nhưng sấy bằng lò điện sẽ được sản lượng tăng gấp 2,5 lần.
Tách rời chất đốt, sấy long nhãn bằng nhiệt từ ống thép toả nhiệt tránh được hoàn toàn khói bụi và lưu huỳnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ đó long nhãn của các gia đình này sản xuất đến đâu được bán trong nước và thị trường Trung Quốc và Nhật Bản luôn đến đó. Với giá cao hơn sấy long bằng phương pháp truyền thống 20.000 đồng/ kg, vụ nhãn 2022 vừa qua, HTX Nhãn lồng Phương Thượng chế biến và xuất bán được 10 tấn long với giá từ 180.000 đến 220.000 đồng/ kg.
Hai huyện Phù Cừ và Ân Thi hiện có gần 100 cơ sở chế biến long nhãn. Đa số sản xuất trong tháng 7, tháng 8 và nửa đầu tháng 9. Những năm gần đây, một số HTX nông nghiệp đã đã đầu tư máy sấy long nhãn công nghiệp để đảm bảo độ ẩm cũng như chất lượng long nhãn được đồng đều và đặc biệt an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cùng với đầu tư chuyển đổi các lò sấy từ thủ công thành công nghiệp và bán công nghiệp để tăng năng suất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đa số các HTX tại Hưng Yên còn chú trọng đến việc đăng ký sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Qua đó, tạo sự yên tâm cho khách hàng.
Từng bước đáp ứng được yêu cầu của những thị trường khó tính, đồng thời giúp người tiêu dùng có nhãn ăn quanh năm. Ngành nông nghiệp và công thương tại Hưng Yên đang tập trung giúp các doanh nghiệp, HTX chế biến long nhãn đảm bảo công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm, phân tích mẫu, vận chuyển, phối hợp làm tem truy xuất nguồn gốc. Trong đó, từ năm 2016 đến nay, sở Công Thương đã hỗ trợ 7 HTX mua máy sấy với kinh phí gần 1 tỷ đồng.
Bá Phước – Hoàng Dũng– Xuân Trường
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.