Video Tin trong nước

Hưng Yên đẩy mạnh liên kết trong trồng và sản xuất nghệ

Để phát triển cây nghệ bền vững, các ngành chức năng và địa phương ở Hưng Yên đã có nhiều giải pháp liên kết hộ trồng với các doanh nghiệp, HTX gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời ứng dụng khoa học công nghệ tạo ra các sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
20:38 - 19/11/2022

Nghệ Chí Tân - huyện Khoái Châu là một sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Hưng Yên, đã được bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận năm 2018. Nghệ và các sản phẩm từ nghệ của huyện Khoái Châu đã xây dựng được uy tín và được xếp là một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương, trong đó có sản phẩm được xếp hạng OCOP 4 sao đầu tiên của Hưng Yên.

Với quyết tâm cùng bà con nông dân xã Chí Tân xây dựng mô hình sản xuất nghệ an toàn có quy mô hàng hóa chất lượng cao, tiến tới xây dựng vùng nông nghiệp sạch, Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên chủ động cung ứng giống, hướng dẫn khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc cho 50 hộ dân tại địa phương. 

Nhờ đó, tạo nên những cánh đồng nghệ lớn với diện tích 100ha, trong đó có 50ha đang trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn GACP. Trung bình, mỗi năm công ty tiêu thụ 1500-2000 tấn nghệ cho người dân Chí Tân.

Công ty Hoàng Minh Châu có trên 20 sản phẩm chế biến từ nghệ. Trong đó có 5 sản phẩm công nhận OCOP 4 sao. Mỗi năm, doanh nghiệp tiêu thụ ở trong nước vài trăm tấn nghệ thô, hàng nghìn sản phẩm chế biến từ nghệ. Từ năm 2018 đến nay, Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên vẫn giữ vững nhịp xuất khẩu với gần 100 tấn bột nghệ với đối tác Nhật Bản.

Tại xã Chí Tân, nghệ được xem là cây trồng mũi nhọn nhờ hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây khác. Để cây nghệ phát triển bền vững bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân, Sở Công Thương tỉnh Hưng Yên đã hỗ trợ xây dựng thương hiệu "Nghệ Chí Tân - Khoái Châu" tiếp tục có bước phát triển bền vững trên thị trường như làm biển quảng cáo ngoài trời, tập huấn nâng cao năng lực cho người dân, xây dựng tổng đài và fanpage giới thiệu sản phẩm; đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. 

Sau nhiều nỗ lực, đến nay Hợp tác xã sản xuất Thương mại Dịch vụ Sản xuất Nghệ Đại Hưng, xã Đại Hưng đã liên kết với 9 hộ dân trồng  nghệ tại địa phương để cùng phát triển, với tổng diện tích trên 7 mẫu, mỗi năm cho sản lượng khoảng 100 tấn. Hợp tác xã đã chế biến  nghệ tươi  thành bột nghệ, tinh bột nghệ, tinh nghệ  mật ong. Qua đó, mang lại giá trị kinh tế cao, cả 3 sản phẩm của HTX đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Tỉnh Hưng Yên hiện có gần 300 ha trồng nghệ, trong đó có 50 ha đã được công nhận VietGap. Không thể phủ nhận giá trị kinh tế của loại cây này nhưng hiện nay, do biến động của thị trường, nhiều người trồng nghệ hiện vẫn phải loay hoay tự tìm đầu ra, giá cả thu mua còn phụ thuộc vào thương lái nên không tránh khỏi tình trạng ép giá. 

Vì vậy, để giải quyết đầu ra, cần có sự liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ một cách bền vững giữa người dân, doanh nghiệp, HTX các đơn vị thu mua. Bên cạnh đó, là định hướng trong quy hoạch của tỉnh về phát triển, đưa nghệ trở thành sản phẩm chủ lực của địa phương.

Thực hiện: Bá Phước - Ngọc Tân

Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.