Gần 30 GS.TS, các nhà nghiên cứu, giáo dục, phê bình văn học thuộc các trường Đại học trên cả nước đã tới tham dự tọa đàm, và cùng thảo luận về 3 vấn đề cốt lõi: Thống nhất được quan điểm nhìn nhận, đánh giá về một số khu vực, giai đoạn, hiện tượng của văn học Việt Nam; Xác lập tiêu chí lựa chọn tác giả, tác phẩm văn học để đưa vào các công trình, đề tài quốc gia; Xây dựng cơ sở dữ liệu về tác giả, tác phẩm đủ độ tin cậy để phục vụ cho nghiên cứu, giảng dạy và học tập.
BTC tọa đàm cho rằng, khi giải quyết được các mục tiêu, vấn đề cốt lõi mà tọa đàm đặt ra, hàng loạt những chương trình, đề án đặc biệt cấp quốc gia sẽ có thể triển khai dễ dàng. Trong đó có những chương trình, đề án quan trọng như Bách khoa toàn thư về văn học, Đề án số hóa tri thức Việt, Địa chí quốc gia Việt Nam, Các công trình, đề tài nghiên cứu tổng kết lịch sử văn học, trong đó có văn học hiện đại và văn học 30 năm đổi mới, Đổi mới chương trình, sách giáo khoa, trong đó có chương trình môn Ngữ văn ở bậc phổ thông và đổi mới giáo trình ở bậc đại học về văn học Việt Nam, Chương trình dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho người nước ngoài và trên không gian trực tuyến, trong đó có giảng dạy văn học Việt Nam.