Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, vai trò của người cao tuổi trong gia đình và xã hội là gương mẫu, giáo dục, dẫn dắt, định hướng cho thế hệ trẻ và có nhiều đóng góp cho quá trình phát triển đất nước. Nổi bật là phong trào "Người cao tuổi tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh giai đoạn 2016-2020" phát triển sâu và rộng.
Với trên 6,5 triệu người cao tuổi trong cả nước, chiếm gần 80% người cao tuổi còn sức lao động được tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới, đã hiến hàng chục triệu m2 đất, hơn 3.000 tỷ đồng và hơn 4,5 triệu ngày công làm đường giao thông, các công trình phúc lợi xã hội. Gần 400.000 người cao tuổi làm kinh tế giỏi, có hơn 130.000 người cao tuổi làm chủ trang trại, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, tạo nhiều việc làm đóng góp phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Cùng với phát huy vai trò của người cao tuổi tại địa phương, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” chăm sóc người cao tuổi cũng được Đảng và Nhà nước quan tâm. Đến nay, Việt Nam đã có 106 bệnh viện cấp Trung ương và cấp tỉnh có khoa lão khoa, gần 1.000 khoa khám bệnh có buồng khám riêng hoặc bố trí bàn khám riêng dành cho người cao tuổi. Trên 3 triệu người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, gần 4 triệu người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ, 96% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2019, tỷ lệ người cao tuổi ở Việt Nam chiếm 11,86% dân số và sẽ tăng lên gần 17% vào năm 2030. Việt Nam là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Chính bởi vậy, các cấp chính quyền cần thường xuyên có những hành động thiết thực không chỉ là chăm sóc mà còn huy động người cao tuổi tham gia hoạt động kinh tế, xã hội góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Duy Hưng – Lê Hải
Mời quý vị xem các tin tức mới nhất tại đây./.