Cưới nhau chưa lâu, chị Thanh Trà - quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội luôn muốn có những bữa cơm gia đình đầm ấm với chồng mình. Chị cho biết, dù công việc bận rộn và không có thời gian nấu cơm, nhưng 2 vợ chồng vẫn cố gắng duy trì thói quen về ăn cơm cùng bố mẹ.
Còn với cậu sinh viên năm 2 này, vì nhớ hương vị cơm nhà cậu đã quyết định chuyển sang tự nấu cơm. Dù mất nhiều thời gian hơn nhưng cậu cho biết, tự nấu thì vừa đảm bảo vệ sinh vừa giúp cậu tìm lại được cảm giác ấm áp của những bữa cơm gia đình.
Vậy nhưng, không phải ai cũng có thể duy trì được bữa cơm gia đình giống như chị Trà, hay cậu sinh viên kia.
Con bận đi học, vợ chồng bận làm thêm, bận kiếm tiền... Đó là những lý do “chính đáng” khiến bữa cơm gia đình - một điều tưởng như đơn giản, nhưng giờ đã trở thành thứ “xa xỉ” với nhiều gia đình.
Bữa ăn đầy đủ các thành viên trong gia đình là nét đẹp văn hoá truyền thống của người Việt, là sợi dây gắn kết tình yêu thương giữa các thành viên, là môi trường giáo dục cho con trẻ, là cách để xây dựng nếp nhà bền vững. Bởi thế, dù bận rộn tới đâu, khi có điều kiện, chúng ta cũng nên cố gắng thu xếp, duy trì ít nhất một bữa cơm gia đình có sự tham gia của các thành viên. Đó cũng là cách để bảo tồn văn hóa của người Việt không bị mai một trong kỷ nguyên số như hiện nay.
Thực hiện: Thế Hùng - Trọng Khánh - Thanh Bình