Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính khi về già
Ông Phạm Đức Thuần được chẩn đoán mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Trước khi mắc bệnh, ông đã có thói quen hút thuốc lá từ năm 20 tuối, kéo dài trong 25 năm. Khi nhận thấy bản thân có các biểu hiện suy giảm sức khỏe, lúc ấy ông mới quyết định bỏ thuốc lá. Đi khám, ông được bác sĩ chẩn đoán đã mắc COPD giai đoạn 4, giai đoạn nghiêm trọng nhất của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là tình trạng tắc nghẽn đường thở nhiều ngày, phổi không hồi phục được chức năng hoàn toàn. Có nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) bao gồm cả các yếu tố thuộc về cơ địa người bệnh và các yếu tố do tiếp xúc thường xuyên với các yếu tố nguy cơ gây bệnh từ môi trường bên ngoài như hút thuốc chủ động và bị động, ô nhiễm, khói bụi... Trong đó, ti lệ người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do hút thuốc lá, thuốc lào chiếm tới 90%.
Tổn thương phổi do COPD gây ra là vĩnh viễn, nhưng quá trình điều trị có thể giúp làm chậm tiến triển của bệnh. Bệnh nhân cần duy trì và thực hiện tốt các khuyến cáo của bác sĩ: bỏ thói quen hút thuốc, tái khám thường xuyên, sử dụng đúng và đủ các loại thuốc điều trị theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, duy trì một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hoạt động thể thao nhẹ nhàng phù hợp với thể trạng … để đem lại hiệu quả cho quá trình điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. /.
Thực hiện: Diễm Hương - Sỹ Thành - Đào Linh