KHẮC PHỤC CHỒNG CHÉO TRONG HOẠT ĐỘNG THANH TRA, KIỂM TOÁN
Xét theo quy định pháp luật, TTCP và Kiểm toán Nhà nước là hai cơ quan có chức năng và nhiệm vụ khác nhau, kể cả phạm vi, mục tiêu và đối tượng. Tuy nhiên dù chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan này đã được quy định rất rõ ràng tại các văn bản quy phạm pháp luật, nhưng trên thực tế theo phản ánh của nhiều bộ, ngành, địa phương tình trạng chồng chéo trong các hoạt động thanh tra, cũng như với hoạt động kiểm toán vẫn xảy ra.
Sự trùng lặp trong các hoạt động thanh tra và trùng lặp giữa hoạt động kiểm toán nhà nước, vừa làm lãng phí thời gian, công sức, giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm toán, vừa làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra, kiểm tra, đơn vị được kiểm toán.
Nhận thức rõ được vấn đề này, thời gian qua KTNN và thanh tra CP đã có nhiều nỗ lực trong hoàn thiện cơ sở pháp lý cũng như tăng cường phối hợp công tác để hạn chế tối đa tình trạng chồng chéo giữa hoạt động thanh tra và kiểm toán.
Thực hiện giải pháp này, từ năm 2015 KTNN và TTCP đã ký quy chế phối hợp, tiếp đó, đến 2021, KTNN và TTCP tiếp tục ký quy chế phối hợp giữa hai cơ quan. Qua thực hiện phối hợp giữa KTNN và TTCP đã thu lại được một số kết quả tích cực.
Bên cạnh đó, theo ý kiến của các chuyên gia, thanh tra, kiểm toán có những đặc thù, vị trí, vai trò khác nhau, mang tính chủ động của mỗi ngành và đều là quy trình của hoạt động quản lý, là sự cần thiết của hoạt động kiểm tra, giám sát. Vì vậy làm sao để tránh chồng chéo nhưng vẫn đảm bảo được nguyên tắc thì bên cạnh việc tập trung xây dựng kế hoạch chung, chú trọng về nội dung thanh tra, kiểm toán trong kế hoạch thì việc xác lập tính pháp lý trong hoạt động kế thừa kết quả của nhau là một yếu tố quan trọng./.
Biên tập: Tiến Dũng