Video Tin trong nước

Khẩn trương triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán

Trước yêu cầu và kỳ vọng ngày càng cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Nhân dân về chất lượng kiểm toán, Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn đã ký, ban hành Chỉ thị số 1671 về thực hiện một số biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán của KTNN.

10:08 - 06/10/2024

KHẨN TRƯƠNG TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG KIỂM TOÁN

Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, Chỉ thị 1671 đã có những quy định cụ thể đối với thủ trưởng đơn vị cũng như trưởng đoàn, tổ trưởng tổ kiểm toán, từ khâu lập kế hoạch; phân bổ nhân lực; khảo sát thu thập thông tin, xác định mục tiêu, phạm vi kiểm toán; thu thập bằng chứng, soát xét hồ sơ, tài liệu kiểm toán; kiểm soát chất lượng; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán và trả lời các kiến nghị, khiếu nại về kết quả kiểm toán…

Đặc biệt, Chỉ thị 1671 đã nhấn mạnh đến công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, thanh tra, kiểm tra của từng cấp quản lý để giảm thiểu và khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong hoạt động kiểm toán; yêu cầu thực hiện nghiêm việc xem xét trách nhiệm theo phân cấp trong quản lý, điều hành đối với các thủ trưởng đơn vị, trưởng đoàn kiểm toán, tổ trưởng tố kiểm toán và trách nhiệm kiểm toán viên có liên quan nếu để xảy ra sai phạm, tiêu cực và nhũng nhiễu trong quá trình thực hiện kiểm toán.

Để thực hiện tốt các biện pháp nâng cao chất lượng kiểm toán, tại Chỉ thị 1671, Tổng Kiểm toán nhà nước đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị liên quan. Ngay sau khi Chỉ thị được ban hành, các đơn vị đã khẩn trương triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân công.

“Chất lượng và đạo đức công vụ” luôn được coi là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của KTNN, đặc biệt là hoạt động kiểm toán. Với 10 biện pháp rất cụ thể trong Chỉ thị 1617 cùng sự khẩn trương hành động của các đơn vị trong Ngành, hy vọng rằng, chất lượng kiểm toán sẽ không ngừng được nâng cao, ngày càng cung cấp những thông tin có giá trị, đáp ứng tốt hơn yêu cầu về hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, kịp thời phục vụ việc quyết định những vấn đề quan trọng quốc gia, hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ. Đây cũng là hành động thiết thực để KTNN góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; khẳng định rõ hơn uy tín, vị thế của mình trong hệ thống chính trị./.

Thực hiện: Tiến Dũng