Một sáng như mọi ngày, hai người phụ nữ này lại dong thuyền lênh đênh trong khu vực rừng dừa Bảy Mẫu, len lỏi qua những rặng dừa nước um tùm, tranh thủ vớt rác, túi nilong và nhặt những chai nhựa đang nổi trên mặt nước. Các chị cho biết, từ khi du lịch phát triển, ngoài rác thải của bà con sinh sống quanh khu vực sông, rừng dừa còn phải gánh thêm rác thải du lịch, vì thế nếu không dọn dẹp thì cảnh quan sinh thái của rừng dừa sẽ bị đe dọa.
Không riêng đội vớt rác của Tổ trật tự du lịch, mỗi người dân và doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch ở đây đều rất ý thức trong việc bảo vệ tài nguyên rừng dừa. Các tour du dịch bảo vệ môi trường như trồng dừa hay “dọn rác” cũng được lồng ghép góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường của người dân cũng như du khách.
Nhờ quyết tâm lập lại trật tự và môi trường kinh doanh của chính quyền nơi đây mà diện tích rừng dừa trồng được những năm gần đây đã tăng lên, nhận thức và hành vi của cộng đồng cư dân địa phương cũng dần thay đổi và đi vào nề nếp. Tình trạng đốn chặt, khai thác bừa bãi rừng dừa, lấn chiếm diện tích rừng dừa để cơi nới đất ở, xây ao hồ nuôi trồng thủy sản... cũng đã được hạn chế.
Nhờ tình hình trật tự và môi trường kinh doanh du lịch chuyển biến tích cực nên thời gian qua lượng du khách trở lại ngày một đông hơn với khoảng trung bình 2.000 lượt khách mỗi ngày. Khu du lịch Rừng dừa Bảy Mẫu thực sự đang là một địa điểm du lịch hấp dẫn đối với khách du lịch trong và ngoài nước.
Tham quan khắp khu vực rừng dừa Bảy Mẫu mới thấy việc ví nơi đây là một “Nam Bộ” trong lòng Hội An quả thật không sai. Với sự đa dạng sinh học đóng vai trò quan trọng đối với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, việc bảo tồn khu vực rừng dừa Bảy Mẫu, Cẩm Thanh, Hội An thực sự mang ý nghĩa lớn lao, góp phần vào sự phát triển bền vững vùng cửa sông ven biển này.
Minh Quyên – Ngọc Toàn
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.