Liên tiếp các vụ TNGT nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về người và tài sản xảy ra thời gian vừa qua đã cho thấy rõ những bất cập trong vấn đề quản lý thiết bị giám sát hành trình (GPS) trên các đơn vị kinh doanh vận tải. Từ vụ việc này nhiều người dân cho rằng, việc sử dụng GPS phải thực sự có hiệu quả hơn nữa và công khai cho dân biết để cùng giám sát kịp thời phát hiện, báo cơ cơ quan chức năng xử lý.
Mục tiêu căn bản nhất của thiết bị giám sát hành trình là nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về các hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô của doanh nghiệp. Những dữ liệu này là của riêng doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước thực hiện theo quy định sẽ tiếp nhận một số dữ liệu từ thiết bị này. Trên cơ sở đó, sẽ giám sát, rà soát phát hiện ra những hành vi vi phạm về tốc độ, lộ trình... để có biện pháp ngăn ngừa, xử lý. Do đó, Cục đường bộ Việt Nam chỉ có thể cung cấp các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp vận tải mà cơ quan quản lý xác nhận theo quy định của pháp luật...
Các doanh nghiệp vận tải hiện tốn khoảng 1.000 tỉ đồng mỗi năm để truyền dữ liệu về nhưng hệ thống máy chủ, hạ tầng tiếp nhận thông tin của Cục Đường bộ Việt Nam còn lạc hậu, chưa khai thác hiệu quả dữ liệu để góp phần đảm bảo an toàn giao thông. Cùng với các lỗ hổng quản lý vận tải chưa được khắc phục kịp thời, nếu tất cả người dân truy cập vào hệ thống sẽ nảy sinh nhiều bất cập.
Mặt khác, hiện nay nguồn dữ liệu giám sát hành trình lái xe được Cục Đường bộ Việt Nam, sở giao thông vận tải và doanh nghiệp quản lý. Các chuyên gia cho rằng, khi chưa bổ sung quy định áp dụng dữ liệu GPS để phạt nguội, cơ quan chức năng cần nghiên cứu chia sẻ dữ liệu cho lực lượng cảnh sát giao thông ở các địa phương theo dõi, chấn chỉnh xe vi phạm. Để siết chặt hơn tình trạng cố tình tái phạm, cơ quan thẩm quyền có thể xây dựng văn bản yêu cầu phải cập nhật kết quả xử lý, chấn chỉnh tài xế tại doanh nghiệp khi vi phạm./.
Thực hiện: Thu Hương – Chí Phương – Trọng Khánh