Để giảm nghèo một cách thực chất hơn, đại biểu đề xuất, cần tiếp cận theo tư duy là chuyển những người nghèo, hộ nghèo từ đối tượng sang chủ thể và phải quan tâm hỗ trợ kinh tế hộ, nhóm hộ, coi đây là đòn bẩy cho công tác giảm nghèo. Sự đổi mới trong tư duy về chủ trương giảm nghèo theo hướng giảm cho không và tăng cho vay ưu đãi là một hướng cần tiếp cận trong vấn đề này. Nhà nước chỉ hỗ trợ về cơ chế, chính sách, nguồn lực và hướng dẫn, còn bản thân người nghèo, hộ nghèo phải cố gắng vươn lên. Các chính sách giảm nghèo phải khơi dậy được khát vọng và tạo động lực để cho những người nghèo mong muốn thoát nghèo.
Một số ý kiến khác cho rằng, trong điều kiện nguồn lực ngân sách có hạn, việc thực hiện Chương trình trong bối cảnh mới sẽ phải đối diện với những khó khăn, thách thức và yêu cầu mới, nhất là khi áp dụng chuẩn nghèo mới thì tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ tăng lên đáng kể.
Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng trực tiếp, tiêu cực đến nhóm đối tượng yếu thế đã khó khăn nay càng khó khăn. Thực trạng đó sẽ tác động không nhỏ đến việc thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu và các chỉ tiêu để giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản.
Phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu giảm nghèo bình quân từ 1-1,5%/năm, trong khi đó chuẩn nghèo đã nâng lên hơn 2 lần, tư duy giảm nghèo đang tiếp cận theo hướng Nhà nước giữ vai trò hỗ trợ, dẫn dắt, người dân hộ nghèo là chủ thể.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khi hoàn thiện chương trình, Chính phủ sẽ trình Quốc hội ban hành nghị quyết làm căn cứ để Chính phủ chỉ đạo xây dựng báo cáo, nghiên cứu khả thi và tổ chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.
Huy Vinh - Chí Phương
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.