Video Tin trong nước

Khôi phục làng nghề dệt đũi Nam Cao

Cách đây 7 năm làng nghề ươm tơ, dệt đũi Nam Cao của tỉnh Thái Bình từng đứng trước nguy cơ bị "xóa sổ". Tuy nhiên, làng nghề đã được hồi sinh nhờ vào sự nỗ lực không ngừng của một bạn trẻ.
10:55 - 24/11/2020

Đây cũng là một tấm gương sáng trong công tác khôi phục và phát huy nghề dệt đũi truyền thống. Bạn đã được biểu dương tại buổi tọa đàm "Hành trình khôi phục và phát huy di sản Việt Nam" nhân Ngày Di sản Việt Nam 23/11.

Chiếc khung dệt là món đồ đã theo Lương Thanh Hạnh 7 năm nay, gắn bó với hành trình mang lại sức sống cho làng nghề dệt đũi xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Bắt đầu từ sự khát khao cháy bỏng của 3 hộ còn cố bám trụ với nghề dệt đũi đó là tìm đầu ra cho sản phẩm, Hạnh đã kêu gọi nguồn vốn đầu tư từ bạn bè người thân và rồi cô gái trẻ đã thành lập mô hình HTX dệt đũi Nam Cao.

Kinh nghiệm khôi phục làng nghề dệt đũi Nam Cao của Lương Thanh Hạnh là chủ đề của buổi tọa đàm "Hành trình khôi phục và phát huy di sản Việt Nam" do Ban Di sản nghề truyền thống, CLB Phụ nữ với di sản tổ chức. Vải đũi, các sản phẩm làm từ tơ tằm Nam Cao đã đẹp, còn đẹp hơn bởi Lương Thanh Hạnh đã biết khai thác những giá trị truyền thống mang đậm nét văn hóa của người dân vùng đồng bằng sông Hồng, cũng như trân trọng những giá trị đó, những tri thức vô giá của bao thế hệ người trồng dâu nuôi tằm, kéo đũi, dệt vải tạo nên hàng trăm năm qua.

Từ tình yêu và niềm đam mê với nghề dệt đũi Nam Cao mà Lương Thanh Hạnh đã phát triển thành công mô hình HTX ban đầu chỉ 3 gia đình làm nghề tham gia thì nay đã có 300 gia đình tham gia HTX với mức thu nhập bình quân từ 7 tới 15 triệu/1 người 1 tháng từ nghề nuôi tằm, kéo tơ, dệt đũi. Thanh Hạnh đã vực dậy một vùng trồng dâu, nuôi tằm và đưa sản phẩm ra thị trường không chỉ trong nước mà vươn ra cả thế giới. 

Mai Lan - Sỹ Thành

Mời quý vị xem các tin tức mới nhất tại đây./.