Không có kỳ thi riêng, thí sinh trượt tốt nghiệp 2024 sẽ thi lại như thế nào?
Năm 2015, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích: Xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng (còn gọi là kỳ thi hai chung). Đây được xem là bước đột phá, gộp hai kỳ thi làm một nhằm giảm lãng phí cho xã hội. Tính từ thời điểm đó đến nay, số lượng thí sinh đỗ kỳ thi tốt nghiệp tăng dần. Năm 2023, là năm có số lượng thí sinh đỗ cao nhất với 98,88%.
Tuy nhiên, kỳ thi năm 2024 này là năm quan trọng khi đây là kỳ thi cuối cùng thi theo chương trình giáo dục phổ thông cũ (2006). Kể từ năm 2025 sẽ áp dụng theo chương trình giáo dục phổ thông mới (2018). Dù tỉ lệ trượt tốt nghiệp không cao nhưng rõ ràng, nếu phải thi lại vào năm 2025, khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ bất lợi cho nhóm đối tượng này.
Để đảm bảo quyền lợi chính đáng của lứa thí sinh cuối cùng học theo chương trình cũ, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, kể từ năm 2025, dù không được tổ chức một kỳ thi riêng nhưng những học sinh chưa đỗ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 trở về trước sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp với bài thi riêng theo đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học.
Phương án điều chỉnh linh hoạt của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc đảm bảo quyền lợi của lứa học sinh cuối cùng học theo chương trình phổ thông cũ được đánh giá là nhân văn và phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên cũng có nhận định cho rằng, trong tương lại nên tính đến giải pháp xét công nhận tốt nghiệp thay vì tổ chức 1 kỳ thi căng thẳng và tốn kém.
Trước mắt, việc thi tốt nghiệp THPT được cho là cần thiết để duy trì sự ổn định, nhất là trong giai đoạn chương trình giáo dục mới có nhiều sự thay đổi. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang từng bước tăng cường sự tin cậy của kết quả thi tốt nghiệp THPT và tới đây đề thi có độ phân hoá cao hơn, theo hướng hạn chế tối đa học tủ, học lệch học mẹo, hướng tới học thật, thi thật, kết quả thật./.
Thực hiện: Anh Vũ - Anh Dũng - Sỹ Thành