Để đáp ứng tiêu chí tiếp cận pháp luật của xã đạt chuẩn Nông thôn mới, 11 thôn bản của xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông đều được trang bị những tủ sách pháp luật đặt ở nhà văn hóa thôn. Nhưng gần 2 năm qua, toàn bộ số sách, báo, tờ rơi... của thôn Phiêng An vẫn được cất cẩn thận trong tủ sắt như thế này. Người dân không ai tìm đọc và tủ sách cũng không được bổ sung sách mới.
Còn tại Tân Sơn, xã với đa số là đồng bào Dao thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Chợ Mới, dù tủ sách của xã đã được chuyển từ trụ sở ủy ban ra Bưu điện trung tâm để tiện cho người dân đến đọc nhưng nhiều năm qua cũng chỉ lác đác vài độc giả. Tân Sơn là xã nông nghiệp với cây trồng chính là gừng, vậy nhưng ở đây hầu như không tìm thấy bất cứ cuốn sách nào liên quan đến loại cây trồng này.
Khi hầu hết thôn, bản vùng cao ở Bắc Kan được phủ sóng internet di động và điện thoại thông minh ngày càng phổ biến, thói quen đến thư viện của người dân có xu hướng mai một cũng là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng xây dựng tủ sách nặng về hình thức mà chưa chú trọng nội dung, chất lượng; chưa có những đầu sách thiết thực, phù hợp với nhu cầu và thực tiễn của người dân từng khu vực.
Xây dựng và duy trì các tủ sách, tài liệu pháp luật tại cơ sở hiện vẫn là nhiệm vụ được tỉnh Bắc Kạn quan tâm chỉ đạo. Vậy nhưng để những tủ sách này thực sự góp phần nâng cao dân trí và thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội các địa phương, rất cần sự quan tâm của chính quyền các cấp từ việc đầu tư kinh phí mua sách mới, luân chuyển sách... đến việc tuyên truyền khuyến khích người dân đến các điểm đọc sách.
Thực hiện: Công Luận
Phóng viên VOV thường trú khu vực Đông Bắc