Trung bình mỗi năm thiên tai làm trên 300 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 1-1,5% GDP, xóa sổ nhiều thành quả, làm chậm sự phát triển ở nhiều khu vực, tác động đến mọi hoạt động dân sinh, kinh tế, an ninh quốc phòng của đất nước.
Từ nay đến cuối năm 2020 dự báo sẽ xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn năm nay cũng đã tạo ra một lịch sử mới, khốc liệt hơn cả đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016, cho thấy sự biến đổi thời tiết vô cùng phức tạp.
Trước tình hình đó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ thường xuyên phải được quán triệt của cấp uỷ, chính quyền và người dân. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc mạnh mẽ, kịp thời, nhất là sự tích cực, chủ động của các Bộ, ngành; cấp ủy, chính quyền, cơ quan phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp và nhân dân cả nước chủ động với tinh thần 4 tại chỗ, qua đó góp phần giảm nhẹ thiệt hại, nhất là các đợt thiên tai, sự cố lớn.
Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế trong công tác phòng chống thiên tai. Đó là hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách chưa đầy đủ, còn bất cập; nguồn lực đầu tư còn thấp so với yêu cầu. Công tác dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát, cơ sở dữ liệu, trang thiết bị và công cụ hỗ trợ, khả năng chống chịu của công trình phòng, chống thiên tai còn nhiều bất cập.
Sự chủ động thích ứng của người dân còn hạn chế; ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức của người dân, năng lực cộng đồng chưa được chú trọng đúng mức.
Thủ tướng đề nghị, cùng với thách thức trong phòng chống dịch Covid thì phải coi bất thường của thời tiết thiên tai trong năm nay là việc cần phải nỗ lực hơn. Các ngành, các địa phương phải chủ động rà soát, dự báo, xây dựng phương án ứng phó đối với từng loại hình thiên tai, sự cố có thể xảy ra trên địa bàn và thuộc phạm vi quản lý của mình để khi xảy ra thiên tai sự cố chủ động triển khai ứng phó, không để chủ quan ở bất cứ cấp nào, khâu nào, không được lúng túng trong chỉ đạo phòng chống thiên tai. Sẵn sàng ứng phó quyết liệt, khắc phục hậu quả với mục tiêu an toàn của người dân là hàng đầu. Đảm bảo nước ngọt cho người dân vùng hạn mặn. Nâng cao chất lượng dự báo, hiện đại hóa công nghệ dự báo thiên tai. Đầu tư nâng cao khả năng chống chịu trước thiên tai của công trình kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình đê điều và 200 hồ đập xung yếu có nguy cơ xảy ra sự cố trong mùa mưa lũ./.
Mời quý vị và các bạn theo dõi các tin tức đã phát sóng tại đây./.