Sau hơn 5 tháng Việt Nam mở cửa hoàn toàn các hoạt động du lịch, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thể vận hành trơn tru bởi thiếu nhân sự, cùng với đó là sự phối hợp, tái khởi động du lịch tại các địa phương chưa thống nhất gây nên nhiều khó khăn, bất cập.
Tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch, nhất là lao động chất lượng cao hiện vô cùng căng thẳng. Các doanh nghiệp du lịch đang phải cạnh tranh gay gắt trong khâu tuyển dụng, không chỉ giữa các khách sạn hay doanh nghiệp du lịch với nhau, mà với cả các ngành nghề khác. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đang phối hợp với các cơ sở đào tạo du lịch để tuyển dụng lao động lâu dài hoặc tạm thời để phục vụ hoạt động kinh doanh.
Do thời gian “đóng băng” du lịch quá dài, người lao động không có điều kiện thường xuyên mài giũa kỹ năng nghiệp vụ, khả năng ngoại ngữ, tác phong phục vụ, dẫn đến chất lượng nhân lực suy giảm. Cùng với đó, nguồn nhân lực du lịch phân tán, lượng học viên đăng ký vào các cơ sở đào tạo du lịch cũng sụt giảm, dẫn đến thiếu hụt lượng lao động bổ sung mới. Để phát triển nguồn nhân lực du lịch bền vững cũng như để tránh tình trạng thiếu hụt như hiện nay, ngành du lịch cần có giải pháp đồng bộ từ cơ sở đào tạo cho đến các doanh nghiệp cho vấn đề phát triển nhân sự du lịch.
Du lịch Việt hiện đang trong giai đoạn phục hồi, nhưng đang phải đối mặt với thách thức thiếu hụt nhân sự, do đó cần có chính sách thu hút, khuyến khích lao động có kinh nghiệm, kỹ năng nghề trở lại với nghề. Đồng thời cũng cần có chiến lược đối phó với những cuộc khủng hoảng tương tự nếu có trong tương lai. Để thực hiện được những vấn đề này cần có sự chung tay của các đơn vị làm du lịch và cơ quan quản lý một cách quyết liệt và đồng bộ.
Thế Hùng – Trọng Khánh – Quốc Hùng
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.