Người đàn ông này đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. Trong suốt hơn 20 năm đằng đẵng bị trầm cảm, ông từng 3 lần tự sát, kích động tới ngồi tù.
Rối loạn trầm cảm lo âu có xu hướng trẻ hóa khiến nhiều bệnh nhi phải vào viện điều trị... Mới đây nhất, 2 nữ sinh nhảy chung cư tự tử do những áp lực vô hình từ cuộc sống.
Dù phương thức khác nhau, nhưng điểm chung giữa những bệnh nhân này là đều phải chịu những tổn thương nghiêm trọng về tâm lý. Dù vậy, sức khỏe tâm thần tại Việt Nam lại chưa thực sự được quan tâm đúng mức.
Số liệu của Tổ chức Y tế thế giới cho thấy, hàng năm, trên thế giới có hơn 800.000 người chết vì tự tử. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai ở nhóm tuổi 15-29. Đặc biệt, 79% số vụ tử tự trên toàn cầu xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Theo nghiên cứu gần nhất do UNICEF Việt Nam thực hiện, tỷ lệ mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung ở Việt Nam từ 8-29% ở trẻ em và vị thành niên.
Trong bối cảnh khủng hoảng sức khỏe tâm thần tại Việt Nam, đường dây nóng “Ngày mai” do Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang và Thạc sĩ Nguyễn Hà Thành khởi xướng mong muốn đóng góp những viên gạch đầu tiên để gỡ bỏ định kiến và sửa chữa những hiểu biết sai lệch về sức khỏe tâm thần. "Ngày mai" sẽ là một nơi an toàn, kín đáo và dễ tiếp cận để người trong cơn khủng hoảng tinh thần có thể tìm tới để được lắng nghe mà không phán xét. Đó cũng là nơi người nhà của bệnh nhân tìm kiếm những thông tin khoa học, những địa chỉ trị liệu đáng tin cậy, và được khích lệ trong hành trình gian truân với người thân của mình.
Đường dây nóng “Ngày mai”, trạm xá sơ cứu vết thương cho những người mắc khủng hoảng tâm lý đang trong giai đoạn triển khai và dự kiến sẽ bắt đầu vận hành vào tháng 5/2021.
Anh Vũ - Anh Dũng
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.