KÍ ỨC CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VỚI CÔ VĂN CÔNG XƯA
Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 với chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu của quân và dân ta thời điểm đó vẫn luôn là mốc son chói lọi trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Để có được chiến thắng ấy, mỗi đơn vị đều mang trên mình một nhiệm vụ cao cả, theo như trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp thì “làm văn nghệ cũng coi như một binh chủng”, lúc nào cũng hăng hái và tự hào khi được là đồng hành cùng các anh bộ đội trong hành trình “Điện Biên Phủ.”
6 tháng đỏ lửa ở tiền tuyến, là 6 tháng bà cùng các thành viên trong Đoàn Văn công hợp thành một “binh chủng đặc biệt” trong đội hình chiến đấu với nhiệm vụ giúp các chiến sĩ vơi đi mệt mỏi, động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu của các anh và củng cố niềm tin vào thắng lợi cuộc kháng chiến của dân tộc.
70 năm như một cuốn phim tua chậm, lật giở từng bức ảnh, từng mảnh ký ức về một sân khấu đặc biệt, một sân khấu chẳng có nổi một ánh đèn, nghỉ chân chỗ nào ngồi tạm chỗ đó, nhiều khi ngồi ở gốc cây, hoặc trải lá rừng ra ngồi với điệu múa “xòe bật lửa”, những câu hát ngân nga với các anh bộ đội những phút nghỉ ngơi, nhưng những kí ức ấy sẽ chẳng thể nào thể nào phai nhạt trong tâm thức của nữ Trung tá đã gần 90.
Kí ức về những ngày gian khổ nhưng oanh liệt, về những sân khấu “tự tạo” và những điệu múa sinh ra trong thời gian khó đó vẫn luôn là niềm tự hào của Trung tá Ngô Thị Ngọc Diệp, của những người văn công ngày ấy. Dù không trực tiếp cấm súng đánh giặc, nhưng chiến đấu trên mặt trận tinh thần cũng là một cuộc chiến đấu cam go, để cùng với toàn quân ta giành được thắng lợi vẻ vang mãi về sau.
Giờ đây, khi đất nước đã hòa bình và ngày càng phát triển, những chiến sĩ năm xưa đã được vui vầy bên gia đình, thì những tấm huân, huy chương, những kỉ niệm về một thời chiến đấu oanh liệt, huy hoàng ấy vẫn luôn được nâng niu, cất giữ để mỗi khi có dịp lại nhớ về một quá khứ tự hào của một dân tộc nhỏ bé nhưng đã kiên cường và bất khuất đến nhường nào./.
Thực hiện: Vân Anh – Quốc Hùng