Từ 2015 đến 2023, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã tiến hành 12 cuộc kiểm toán chuyên sâu về môi trường, tập trung vào quản lý và bảo vệ môi trường ở các khu kinh tế, công nghiệp, nhà máy nhiệt điện, và làng nghề.
Các hoạt động kiểm toán cũng bao gồm quản lý chất thải y tế, phế liệu nhập khẩu, quản lý nguồn nước sông Mê Công liên quan đến phát triển bền vững và giảm sử dụng túi ni lông.
Bên cạnh đó, hơn 30 cuộc kiểm toán chuyên đề và kiểm toán tài chính/tuân thủ đã được thực hiện, kết hợp với đánh giá các dự án môi trường, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, cũng như quản lý nguồn kinh phí dành cho môi trường và các quỹ bảo vệ môi trường.
Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung trên 40 văn bản quy phạm pháp luật, từ Nghị định, Thông tư cho đến các văn bản quản lý, hướng dẫn đặc thù cho từng lĩnh vực.
Về hợp tác quốc tế, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam gia nhập Nhóm công tác Kiểm toán môi trường của ASOSAI vào năm 2008 và của INTOSAI vào năm 2021.
Trong khuôn khổ cuộc họp toàn cầu về vai trò của các cơ quan kiểm toán tối cao trong việc đánh giá các hoạt động quốc gia liên quan đến khí hậu diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Mỹ, Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, Ngô Văn Tuấn đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Kiểm toán môi trường trong việc đảm bảo phát triển bền vững, đánh dấu cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tham gia và đóng góp vào nỗ lực bảo vệ môi trường toàn cầu.
Bằng việc đẩy mạnh hoạt động Kiểm toán môi trường và tăng cường hợp tác quốc tế, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam kỳ vọng sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước, đồng thời khẳng định rõ nét cam kết và vai trò của Việt Nam trong nỗ lực chung của thế giới hướng tới một tương lai bền vững hơn./.