KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC VÀ CÔNG CUỘC PHÒNG, CHỐNG LÃNG PHÍ
“Phòng, chống lãng phí” là cụm từ khóa được dư luận quan tâm nhiều nhất trong những ngày qua, nhất là khi mới đây, Bộ Chính trị đã bổ sung chức năng phòng, chống lãng phí vào nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Và trước đó, bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm như một thông điệp mạnh mẽ, có sức mạnh hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị chung sức đồng lòng phòng, chống lãng phí. Căn cứ Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo từng giai đoạn, các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, trong đó có Kiểm toán nhà nước đã kịp thời ban hành Chương trình hành động về nội dung này theo từng năm và từng giai đoạn.
Giai đoạn 2016-2021, KTNN đã tiết kiệm trong sử dụng ngân sách nhà nước trên 200,9 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là tiết kiệm từ chi phí quản lý hành chính. Trong việc xây dựng dự toán hàng năm, KTNN luôn đảm bảo các nhiệm vụ trọng tâm theo tiêu chuẩn, định mức đã được quy định, trong đó cắt giảm một số nhiệm vụ, một số đầu các cuộc kiểm toán theo chủ trương là gọn nhưng chất lượng; cắt giảm dự toán các hội nghị, hội thảo; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các đơn vị bằng hình thức như họp trực tuyến hay phòng họp không giấy tờ....
Không chỉ nỗ lực phòng, chống lãng phí từ nội ngành, KTNN còn thực hiện công tác phòng, chống lãng phí thông qua hoạt động kiểm toán. Kể từ khi thành lập đến nay, qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý hơn 740 nghìn tỷ đồng, trong đó tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước chiếm tỷ trọng trên 40% tổng số kiến nghị kiểm toán; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ trên 2.200 văn bản có nội dung chồng chéo, không phù hợp với quy định hoặc không phù hợp với thực tiễn, từ đó góp phần bịt “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, giảm nguy cơ thất thoát, lãng phí, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính quốc gia.
Với những nỗ lực trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, KTNN đã cùng các Bộ, ngành, địa phương góp phần kiểm soát chặt chẽ ngân sách nhà nước; nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công và tài sản công.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm: Kết quả thực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã góp phần đưa công cuộc đổi mới đạt những thành tựu vĩ đại; đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội qua các nhiệm kỳ, kể cả trong bối cảnh có những thách thức chưa từng có tiền lệ như dịch bệnh, thiên tai; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước./.