Video Tin trong nước

Kỳ họp thứ 20 HĐND TP. Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026

Sáng 9/12, HĐND TP Hà Nội đã chính thức khai mạc Kỳ họp thứ 20 nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là kỳ họp để xem xét các nhiệm vụ quan trọng, trong đó có ban hành một số quy định, cơ chế, chính sách để kịp thời cụ thể hoá Luật Thủ đô 2024.
07:48 - 10/12/2024

KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 20 HĐND TP. HÀ NỘI NHIỆM KỲ 2021-2026

Kỳ họp thứ hai mươi được tổ chức từ ngày 9 đến 12-12 để xem xét, thông qua 55 nội dung, gồm 25 báo cáo và 30 nghị quyết. Kỳ họp dành 1 ngày (ngày 11-12) để thực hiện hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và những vấn đề bức xúc mà đại biểu HĐND thành phố và cử tri Thủ đô quan tâm.

Phát biểu tại phiên khai mạc, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu, vận dụng có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù mà Bộ Chính trị và Quốc hội đã ưu tiên dành cho thành phố để cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần thu hút, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. 

Phát biểu chỉ đạo kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhưng tiềm năng, lợi thế của Thủ đô chưa được khai thác, phát huy đầy đủ. Hà Nội chưa thể hiện rõ vai trò là trung tâm, động lực tăng trưởng và phát triển của vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Do vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong năm 2025, Hà Nội cần tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm. 

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng yêu cầu TP Hà Nội tập trung triển khai Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XVI và HĐND các cấp đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ; kiên quyết không để xảy ra tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Trước mắt, TP. Hà Nội phải là địa phương đi đầu trong việc thực hiện việc tổng kết Nghị quyết 18 và sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị. 

Bên cạnh đó, cần tập trung ưu tiên nguồn lực, tạo bước đột phá mạnh hơn nữa về hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thông minh và hiện đại, có tính kết nối cao; tập trung quản lý quy hoạch gắn với các kế hoạch triển khai thực hiện trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội; tập trung chỉ đạo quyết liệt, có các biện pháp, giải pháp căn cơ, đồng bộ, khả thi trong xử lý các vấn đề về ô nhiễm môi trường, rác thải, nước thải, ô nhiễm không khí, chống úng ngập./.

Thực hiện: Cao Thắng - Ngọc Toàn