Kỳ vọng phát triển công nghiệp văn hóa từ áo dài
Thời gian qua, các doanh nghiệp du lịch, thời trang, địa phương và cả ngươi dân đã khai thác nguồn lực từ áo dài vừa để quảng bá, tôn vinh, lan toả niềm tự hào của áo dài Việt Nam, vừa để phát triển kinh tế - du lịch. Riêng tại Hà Nội, lễ hội áo dài đã trở thành sự kiện thường niên với mong muốn định vị áo dài trên thị trường thời trang, thị trường văn hóa sáng tạo và thu hút du khách.
Trong khi đó, giới chuyên gia và các nhà thiết kế khẳng định nhìn thấy tiềm lực kinh tế rất lớn của chiếc áo dài. Không chỉ dừng lại ở việc là niềm tự hào, là trang phục ở các nghi lễ quan trọng , mà ở góc độ thời trang, áo dài còn tạo ra lợi nhuận, thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa.
Sản phẩm áo dài cùng lúc mang nhiều tiêu chí thuộc về các ngành công nghiệp văn hóa khác nhau (đã được xác định trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được Thủ tướng phê duyệt năm 2016). Tuy nhiên, để áo dài thực sự là một sản phẩm của công nghiệp văn hóa, vẫn cần sự đầu tư nhiều hơn nữa.
Ngoài việc định vị áo dài, cần có nhiều hơn nữa các sự kiện tôn vinh áo dài Việt, để làm sao áo dài trở thành 1 trang phục ngày càng phổ biến hơn trong đời sống đương đại./.
Thực hiện: Tiến Dũng – Anh Dũng