Video Tin trong nước

Lãi suất ngân hàng liệu có tiếp tục giảm thêm?

Ngày 23/8, 4 ngân hàng lớn gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank đồng loạt công bố biểu lãi suất huy động mới, giảm mạnh ở nhiều kỳ hạn, xuống mức thấp nhất hệ thống. Lãi suất vay đã giảm đến đâu và liệu có tiếp tục giảm thêm ?



19:40 - 26/08/2023

Lãi suất ngân hàng liệu có tiếp tục giảm thêm?

“Phấn đấu giảm lãi suất” là thông điệp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhiều lần nhấn mạnh thời gian gần đây. Thực hiện các chỉ đạo quyết liệt đó, hàng loạt các ngân hàng đã tung ra các chương trình giảm lãi suất để kích cầu tín dụng. Tính từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước tổng cộng đã có 4 đợt giảm lãi suất điều hành, khiến lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các ngân hàng giảm theo với mức giảm khoảng 0,5-3,0%/năm tùy đối tượng khách hàng đối với các khoản vay mới. Đồng thời, nhiều ngân hàng cam kết giảm lãi suất cho vay khoảng 0,2-2,5%/năm trong 6 tháng cuối năm 2023 tùy đối tượng khách hàng và lĩnh vực. (lên bảng) 

Việc nới lỏng chính sách tiền tệ và giảm lãi suất cho vay có mục tiêu là hỗ trợ tăng cường hoạt động kinh doanh và phục hồi kinh tế suy thoái. Với lãi suất thấp hơn, doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí tài chính, giảm giá thành sản phẩm và tạo ra lợi thế cạnh tranh. Lãi suất thấp cũng giúp doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vốn vay dễ dàng hơn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, từ đó đầu tư mở rộng kinh doanh, nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ mới. 

Tuy vậy, so với lãi suất huy động, lãi suất vay chưa giảm nhiều. Có doanh nghiệp phản ánh vẫn phải chịu mức vay lên tới 17%. Lý giải điều này, các chuyên gia cho biết, lãi suất vay đòi hỏi có độ trễ để các ngân hàng tiêu thụ hết nguồn vốn huy động lãi suất cao. Trong thời gian tới, dưới tác động của việc giảm lãi suất huy động, chắc chắn, lãi suất vay sẽ giảm sâu. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cũng có thể gây ra một số tác động tiêu cực.

Giảm lãi suất bao nhiêu là hợp lý đang là câu hỏi được đặt ra lúc này. Doanh nghiệp mong muốn giảm xuống dưới 8%, thậm chí, tại cuộc làm việc với Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đầu tháng 8 này, có doanh nghiệp đề nghị giảm xuống mức dưới 6%/năm cho chủ đầu tư và 4,5%/năm cho người mua nhà.

Theo báo cáo điểm lại kinh tế vĩ mô Việt Nam công bố mới đây, Ngân hàng Thế giới nhận định, chính sách tiền tệ thắt chặt mạnh mẽ ở các nền kinh tế phát triển quy mô lớn nhằm chống lạm phát kéo dài có thể nới rộng chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và quốc tế. Cũng theo World Bank, thời gian tới nhu cầu tín dụng tại Việt Nam vẫn tiếp tục ở mức thấp mặc dù lãi suất giảm nhiều so với trước đây. Vì vậy, việc cắt giảm lãi suất thêm nữa chưa chắc tạo hiệu ứng mong muốn về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng sự chênh lệch lãi suất với các thị trường trên toàn cầu, có khả năng gây áp lực cho tỷ giá. Do đó, cần xác định vùng lãi suất an toàn, đảm bảo cân bằng giữa tăng trưởng tín dụng với những lo ngại về lạm phát, tỷ giá giữa đồng tiền Việt Nam với các đồng tiền mạnh trên thế giới cũng như duy trì dòng vốn ngoại ở lại thị trường./.


Thực hiện: Như Nguyên – Anh Dũng