Gia tăng tình trạng thừa cân béo phì do lạm dụng đồ uống chứa hàm lượng đường cao
1 lon nước ngọt chứa khoảng 10 muỗng cà phê đường, nghĩa là chỉ cần uống 1 lon nước ngọt thì bạn đã nạp vào cơ thể khoảng 30-35g đường. Trong khi đó, lượng đường được khuyến cáo là có lợi cho sức khỏe của mỗi người chỉ nên dừng ở mức khoảng 25g, tương đương khoảng 6 muỗng cà phê mỗi ngày.
Trung bình, một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5g đường tự do mỗi ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50g/ngày) và cao gần gấp đôi so với mức tiêu thụ là dưới 25g/ngày theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới. Đây có lẽ chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến ngày càng gia tăng tình trạng thừa cân béo phì như hiện nay.
Các bác sĩ tại khoa Phẫu thuật cấp cứu tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, những năm gần đây, số bệnh nhân đến thăm khám, tư vấn và điều trị thừa cân béo phì ngày càng gia tăng và tính chất ngày càng phức tạp hơn.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, lượng đường tự do trong chế độ ăn của mỗi người chỉ nên chiếm không quá 10% và nên giảm xuống 5% năng lượng trong một ngày, tương đương khoảng 25g đường tự do hoặc khoảng 6 muỗng cà phê để có lợi cho sức khỏe.
Điều đáng lo ngại là tình trạng thừa cân béo phì ngày càng phổ biến ở lức tuổi trẻ em. Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng năm 2019-2020, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em tuổi học đường (5-19 tuổi) đã tăng gấp hơn 2 lần, trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8% và nông thôn là 18,3%. Cùng với đó là gần 1/3 số trẻ em tiêu thụ nước ngọt thường xuyên ít nhất một lần/ngày. Việc lạm dụng đồ uống chứa hàm lượng đường cao không chỉ gây thừa cân béo phì mà còn dẫn đến rất nhiều nguy cơ bệnh tật nghiêm trọng. Đã đến lúc mỗi người, mỗi gia đình cần nghiêm túc điều chỉnh lại chế độ ăn, đặc biệt là với con trẻ để tránh những nguy cơ bệnh tật. Hiện các cơ quan quản lý và ngành y tế trong nước cũng đang có những đề xuất bước đầu cho việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức cao đối với đồ uống chứa hàm lượng đường cao – đây cũng là một trong những biện pháp hiệu quả để giảm mức tiêu thụ nước ngọt có đường, góp phần dự phòng và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm.
Thực hiện: Vũ Đào – Chí Phương