Video Tin trong nước

Làm kinh tế từ cây lục bình

Những năm gần đây, để giúp phụ nữ Khmer có thêm nguồn thu nhập, Hội Phụ nữ huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ đã tổ chức các lớp dạy đan lục bình thành các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và liên kết với các doanh nghiệp tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm.
22:27 - 23/12/2020

Đã thành thông lệ, cứ đến mỗi buổi chiều nắng ráo, sau khi công việc nương rẫy đã được thu xếp ổn thỏa, các bà các chị phụ nữ Khmer ở ấp Thới Hòa B, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ lại tập trung lại, người tuốt lục bình, người đan tíu tít và bận rộn. 

Ở mảnh đất miền Tây sông nước này, cây lục bình mọc tràn các mặt kênh rạch. Từ cây lục bình, người dân miền Tây đã sáng tạo làm thành những sản phẩm thủ công bền đẹp, mềm mại, được thị trường nước ngoài đặc biệt ưa chuộng. Có nguồn nguyên liệu, có thị trường tiêu thụ, từ đây tổ đan lục bình thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ ra đời đem lại nguồn thu nhập cho phụ nữ Khmer ở Cờ Đỏ.

Năm 2013, UBND thị trấn Cờ Đỏ thành lập Tổ đan lục bình với trên 30 lao động, đến nay thu hút khoảng 130 lao động; trong đó, đa số là phụ nữ dân tộc Khmer diện hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh khó khăn, việc làm không ổn định. 

Đan lục bình có nhiều công đoạn, người nào khéo léo có thể làm những công đoạn khó như đan hoa, người nào mới học có thể làm những công đoạn dễ hơn như tuốt lục bình. Người có thời gian thì ra ngồi cùng các chị các em, còn nếu không có thể nhận về nhà làm lúc rảnh rỗi. Kể từ khi có nghề đan lục bình, chị em phụ nữ ở Ấp Thới Hòa B có thêm nguồn thu nhập, vị thế của người phụ nữ cũng được cải thiện nhiều hơn.

Xuất phát từ thành công của mô hình đan lục bình ở ấp Thới Hòa B, Hội Phụ nữ huyện Cờ Đỏ thường xuyên tổ chức các lớp dạy đan lục bình với mong muốn chị em phụ nữ của địa phương có thể làm kinh tế từ chính những điều kiện sẵn có của địa phương./.

Thực hiện: Nguyên Hạnh, Trọng Đại

Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.