Những loại nhạc cụ dường như không liên quan đến nhau nhưng khi kết hợp lại cho ra những thanh âm vừa mang âm hưởng tự nhiên của núi rừng, vừa mang hơi thở trẻ trung, hiện đại. Đây là cách làm độc đáo, có phần táo bạo của các chàng trai Jrai trên con đường phát triển âm nhạc truyền thống.
Điểm đặc biệt của các chàng trai này là họ học nhạc cụ dân tộc từ cha ông trong các buôn làng nơi họ lớn lên và tự mày mò học nhạc cụ hiện đại rồi chỉ cho nhau. Trong đó, Rơ Châm Khánh là người chịu trách nhiệm chính trong việc tập hợp các chàng trai, phối nhạc và cùng nhau chia đoạn, luyện tập.
Để nhạc cụ dân tộc không nằm trong bảo tàng, những người đam mê thanh âm này cũng phải nghĩ cách với những sáng tạo cho loại nhạc cụ này dễ tiếp cận hơn. Là một người chế tác nhạc cụ dân tộc nhiều năm, Rơ Châm Khánh bắt đầu có những sáng tạo mới cho nhạc cụ dân tộc.
Trước kia, đàn đá của Tây Nguyên chủ yếu để đá tự nhiên và ít có sự can thiệp của việc gọt đẽo. Nhưng sẽ hạn chế khi di chuyển và chưa mang tính thẩm mỹ. Chính vì vậy, cách làm đàn đá của Khánh là có sự cắt gọt. Ngoài đá tự nhiên khó kiếm, Rơ Châm Khánh cũng sáng tạo đàn từ đá granit miễn là vẫn đủ các nốt và cho ra thanh âm vang vọng, trầm bổng của núi rừng.
Với đam mê cùng những nỗ lực, những nghệ sĩ của đại ngàn đang sáng tạo các cách để đưa âm nhạc truyền thống tiếp cận được với đông đảo khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ. Khi âm nhạc dân tộc đến gần hơn với công chúng và được đón nhận điều đó cũng đồng nghĩa với việc âm nhạc truyền thống sẽ có sức sống và điều kiện để phát triển.
Thực hiện: Huyền Trang – Hoàng Thuyên
Mời quý vị xem các tin trong nước đã phát sóng tại đây./.