Đây là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu đề nghị khi thảo luận tại tổ về dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) trong Phiên họp Quốc hội sáng nay.
Mặc dù trong luật sửa đổi lần này đã bổ sung nhiều điểm mới liên quan tới doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, song theo các đại biểu, việc sửa đổi này vẫn chưa giải quyết được triệt để những tồn tại, hạn chế liên quan tới trách nhiệm của doanh nghiệp thời gian qua.
Về quy định tại khoản 3 điều 18 giới hạn doanh nghiệp chỉ giao nhiệm vụ thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho không quá 03 đơn vị phụ thuộc, đại biểu đề nghị xem xét lại bởi trên thực tế điều này có thể thể dẫn đến hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.
Liên quan tới chính sách đối với người lao động sau khi về nước, các ý kiến cho rằng quy định này còn chung chung,do đó cần phải quy định cụ thể, đặc biệt cần làm rõ trách nhiệm, tính khả thi về quản lý, nhân lực, khả năng của ngân sách nhà nước trung ương và địa phương.
Bên cạnh đó các đại biểu cũng cho rằng, việc sửa đổi quy định Giấy phép hoạt động dịch vụ từ không có thời hạn sang có thời hạn 05 năm và bổ sung quy định về gia hạn Giấy phép đã được đánh giá tác động chính sách nhưng chưa thuyết phục, cần phải cân nhắc lại. Quy định này trên thực tế có thể “đẻ ra các thủ tục”, gây phiền hà cho những doanh nghiệp đang hoạt động tốt. Về chuẩn bị nguồn lao động của doanh nghiệp, các ý kiến đề nghị Ban Soạn thảo đánh giá thêm về chi phí xã hội, đồng thời nghiên cứu, bổ sung quy định về quy trình, giới hạn số lượng, công tác theo dõi quản lý, trách nhiệm của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ, trong đó, làm rõ trách nhiệm cụ thể của doanh nghiệp hoạt động dịch vụ khi chuẩn bị nguồn lao động; Quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, tránh tình trạng lãng phí nguồn lực xã hội./.
Thực hiện: Vũ Khuyên - Chí Phương
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.