Làm sống lại các di tích văn hóa, lịch sử bằng tour game di sản
Tại điểm du lịch không quá xa lạ với du khách trong nước là Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội), nhưng hôm nay, những du khách đến đây tham quan lại hào hứng hơn nhiều. 6 đội chơi đến từ các tỉnh thành khác nhau sẽ cùng tham quan làng cổ với tour game di sản thông qua ứng dụng chơi game Outing Trip trên điện thoại di động thông qua các nhiệm vụ, thử thách gắn với các sản phẩm đặc trưng của điểm đến và từ những câu hỏi, người chơi sẽ phải trả lời để tính điểm và check-in lưu lại khoảnh khắc.
Không chỉ mang đến những trải nghiệm mới mẻ, độc đáo cho du khách, game hóa di sản còn góp phần quan trọng trong bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa của Việt Nam, giúp lưu giữ những kiến thức, giá trị văn hóa trong bối cảnh hiện đại và làm các di tích lịch sử gần gũi hơn với công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Ngoài các điểm di tích lớn, tour ẩm thực phố cổ Hà Nội cũng là một trong những trải nghiệm thu hút nhiều bạn trẻ như: Bánh rán hàng Chiếu, Nộm Long Vi Dung… cùng với những thông tin về các điểm trạm gắn liền với những câu chuyện lịch sử như Ngôi nhà 48 Hàng Ngang - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn độc lập Đền Bạch Mã....
Việc kết hợp giữa công nghệ hiện đại và di sản văn hóa truyền thống qua các dự án game hóa đã mở ra một hình thức truyền tải văn hóa mới, thu hút sự quan tâm của du khách và thế hệ trẻ, đồng thời góp phần vào công cuộc bảo tồn và giáo dục văn hóa. Tuy nhiên, việc đảm bảo tính chính xác và tôn trọng di sản văn hóa khi đưa vào game cũng là thách thức lớn cho xu thế này. Do đó, để game hóa di sản phát triển hơn nữa thì cần có sự hợp tác giữa cơ quan quản lý, các tổ chức văn hóa, và các nhà phát triển trò chơi để đảm bảo rằng các dự án game hóa di sản không chỉ hấp dẫn mà còn chính xác và tôn trọng giá trị văn hóa.
Thực hiện: Vân Anh – Quốc Hùng