Những năm qua, môi trường nước ta đang chịu nhiều áp lực lớn như việc chôn lấp rác thải không đúng quy định, ô nhiễm môi trường không khí, ô nhiễm nguồn nước thải gây ảnh hưởng tới đời sống và sức khỏe của nhân dân.
Làm thế nào để giảm ô nhiễm, tiến tới giảm áp lực tác động đến ô nhiễm môi trường, đảm bảo người dân được sống trong môi trường trong sạch là ý kiến của rất nhiều đại biểu trong phiên thảo luận. Đại biểu Lê Quang Trí, đoàn Tiền Giang lo ngại trước thực trạng hiện nay, nhiều phòng thí nghiệm đã nghiên cứu, tạo chủng gen, trong đó có nhiều chủng vi sinh vật, virus có hại, do đó cần phải có quy định nghiêm về việc bảo quản, phát tán các chủng nguy hiểm ra ngoài môi trường.
Liên quan tới vấn đề ô nhiễm không khí, nhiều đại biểu tán thành với quy định “ai gây ra ô nhiễm phải có trách nhiệm xử lý”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cần bổ sung các quy định về phối hợp giữa các địa phương trong vấn đề xử lý giảm thiểu ô nhiễm không khí ra môi trường, quy định cụ thể đối tượng thực hiện nhiệm vụ quản lý lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng đề xuất Chính phủ phải xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường, tránh trường hợp tái phạm nhiều lần, gây bức xúc trong nhân dân.
Nhiều đại biểu cũng tán thành việc để nâng cao chất lượng môi trường sống, ngoài việc nâng cao ý thức của doanh nghiệp và cộng đồng, chúng ta cần kêu gọi các nhà đầu tư, đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường, cũng như sửa đổi, bổ sung các quy định, về đánh giá tác động môi trường, các quy định cần bám sát tiến trình phát triển và hội nhập của đất nước.
Trước đó, cũng trong chiều nay, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, và biểu quyết thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Thực hiện: Vũ Khuyên - Chí Phương
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.