Video Tin trong nước

Lan tỏa kỹ thuật thêu ghép vải độc đáo của người Mông trắng

Cùng là dân tộc Mông, nhưng cộng đồng người Mông trắng ở bản Phà Xắc, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An lại có kỹ thuật thêu, ghép vải khác hẳn so với cộng đồng người Mông ở những địa phương khác.

17:09 - 22/10/2023

Lan tỏa kỹ thuật thêu ghép vải độc đáo của người Mông trắng

Từ miền Tây Nghệ An xa xôi, hôm nay, hai chị Y Ma, Y Mế có mặt ở Hà Nội tham dự một buổi trình diễn về nghệ thuật thêu ghép vải của đồng bào dân tộc Mông trắng do tổ chức phi lợi nhuận Craft Link tổ chức. Trang phục của người phụ nữ Mông trắng lấy màu đen làm chủ đạo nhưng vẫn nổi bật bởi sắc màu rực rỡ ở cổ áo và thắt lưng. Đây là nơi người phụ nữ dân tộc phô diễn kỹ thuật thêu ghép vải độc đáo của dân tộc mình.

Để thêu ghép được một miếng vải nhỏ trông khá đơn giản, người phụ nữ phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ, khéo léo và đòi hỏi sự kiên nhẫn. Sau khi phối màu bằng các lớp vải, người thợ phải cắt tạo khối, rồi khâu “đục” để tạo hoa văn trên nền vải… Một bộ quần áo muốn thêu xong có khi phải mất 2 tuần. Cuộc sống đổi thay, quần áo bán sẵn, dễ mua, nhiều phụ nữ Mông trắng ít cầm kim thêu thùa, khâu vá. Nghề truyền thống đứng trước nguy cơ mai một.

Dự án phát triển nghề thủ công truyền thống của Craft Link với nhiều nhóm dân tộc thiểu số, trong đó có người Mông trắng ở bản Phà Xắc đã góp phần bảo tồn các kỹ thuật truyền thống, nâng cao năng lực cho các thành viên, tăng thêm thu nhập cho cộng đồng. Dự án cũng sử dụng các họa tiết đặc trưng của người Mông để đưa vào các sản phẩm thời trang và nội thất hiện đại.

Những họa tiết hoa văn truyền thống, cùng kỹ thuật thêu ghép vải đặc sắc được truyền lại từ bao thế hệ… nay đã không còn giới hạn ở bản Phà Sắc. Những người phụ nữ dân tộc thiểu số giờ đã có thể tự hào mang những câu chuyện văn hóa ẩn sau mỗi mũi thêu để kể với bạn bè trong nước và quốc tế./.


Thực hiện: Lê Liên – Quốc Hùng