Video Không gian đẹp

Làng cổ Yên Trường: Nơi lưu giữ nét xưa

Cách Thủ đô Hà Nội khoảng khoảng 30 km, làng Yên Trường, xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) được biết đến là một trong ít ngôi làng cổ nổi tiếng còn giữ được những nếp nhà hàng trăm năm.
10:43 - 26/08/2024

Làng cổ Yên Trường: Nơi lưu giữ nét xưa

Vào làng Yên Trường, men theo những con ngõ nhỏ, là những cổng nhà cổ, giếng cổ và không gian rêu phong, gần gũi. Không gian cổ kính nhưng không kém phần thơ mộng khiến Yên Trường trở thành một trong những ngôi làng có vẻ đẹp nông thôn đồng bằng Bắc Bộ điển hình trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tọa lạc ở bãi đất cao, nhìn xuống ao lớn, bên kia là một gò đồi thấp, Đình làng Yên Trường là một địa điểm mang dấu ấn về lịch sử văn hóa, nơi thờ đức thành hoàng làng Cao Sơn Quý Minh. Đây là một công trình kiến trúc lâu đời và đã được chứng nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia. 

Không chỉ nổi tiếng với các di tích đình, chùa cổ kính, làng Yên Trường còn mang trong mình những kiến trúc, hiện vật điển hình của nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Chính giữa làng có một chiếc ao Ngõ Cống xanh ngát giúp điều hòa không khí, đem lại cảm giác mát mẻ cho người dân trong những trưa hè oi ả. Bên trong những con ngõ nhỏ sâu hun hút, đan xen vào nhau là những bức tường đá ong sậm như sáp mật. 

Người thợ xưa đã khéo léo xếp những viên gạch khít vào nhau đến từng chi tiết, kết dính chúng bằng hỗn hợp từ mật mía và một số phụ gia. Đến nay, sau hàng trăm năm, tuy nhiều chỗ trên các bức tường đã nhuốm màu thời gian, chỗ vàng, chỗ đen, chỗ xanh rêu nhưng vẫn vô cùng vững chãi. Đi kèm với vật liệu làm từ đá ong, những ngôi nhà cổ tại đây thường mang đặc trưng kiến trúc nhà vườn Bắc Bộ, với nhà 3 gian 2 chái và khoảng sân rộng trước mặt. Hiện nay, làng cổ Trường Yên vẫn còn lưu giữ những ngôi nhà có niên đại lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm năm nằm rải rác quanh làng. 

Cùng với những ngôi nhà cổ là những cánh cổng cổ kính, thiết kế mái vòm đặc trưng văn hóa Việt. Trên mái vòm thường là biểu tượng bức cuốn thư ghi vài câu chữ Hán Nôm như "Ngũ phúc lâm môn" để mong sự ấm no, hạnh phúc cho gia đình hoặc đơn giản chỉ là hình bông hoa, cây lúa. Tất cả các cánh cổng cổ ở Yên Trường có điểm chung là thấp, phù hợp với chiều cao của người Việt xưa kia. Nhiều cổng có niên đại đến hàng trăm năm.

Một nét đặc trưng không thể không nói đến Yên Trường là câu chuyện về 99 chiếc giếng cổ thiên tạo. Giếng cổ ở Yên Trường có hình thù kỳ lạ. Miệng giếng không tròn, lòng giếng thì khúc khuỷu, hình dáng như bàn chân con người. Nhiều người lý giải giếng có hình lạ như vậy vì được hình thành trên nền đá ong. Do phần lớp đá ong cứng nên thợ chỉ có thể đào quanh lớp đất mềm hơn, để lại thân giếng có những chỗ lồi lõm, gồ ghề.

So với "Tứ cựu danh thôn" (Đường Lâm, Cự Đà, Cựu Lễ, Ước Lễ), Yên Trường có phần nhỏ bé hơn nhưng vẫn giữ trong mình vẻ đẹp làng quê yên bình đến nao lòng. Ngôi làng cổ hàng trăm năm tuổi, mang giá trị văn hóa độc đáo, cảnh quan, kiến trúc tiêu biểu của vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ không chỉ là niềm tự hào của các thế hệ người dân nơi đây mà còn khiến bất kỳ ai đến đây hoặc nhìn qua hình ảnh cũng cảm thấy xao xuyến.