Tuy nhiên, ngay sau khi Hà Nội thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, làng nón Vĩnh Thịnh đã bắt tay ngay vào công cuộc sản xuất nhằm đảm bảo thu nhập cho lao động trong thôn.
Những ngày thu nắng vàng, dọc khắp các con đường trong thôn Vĩnh Thịnh, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội người dân lại phơi đầy lá nón. Hình ảnh vốn đã quen thuộc và gắn bó với thôn Vịnh Thịnh cả trăm năm qua này vậy mà mấy tháng nay vắng bóng. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh thành trên khắp cả nước thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đã ảnh hưởng nặng nề đến làng làm nón thủ công cả trăm năm tuổi này. Nguyên liệu thiếu thốn, nón làm ra không thể đem đi tiêu thụ, đặc biệt, đầu ra xuất khẩu gần như bị đình trệ. Nghề nón lá ở Vĩnh Thịnh đối mặt với khó khăn chồng chất.
Ngay sau khi thành phố Hà Nội thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội từ ngày 21/9, nhịp độ sản xuất sôi nổi quay trở lại với làng nón lâu năm này. Nhà nhà tranh thủ trời nắng mang lá nón ra phơi, trong các sân nhà, các ông lại tranh thủ vót vành, các bà lại thoắt thoắt tay kim, tay chỉ.
Làng nghề làm nón Vĩnh Thịnh đã có từ hàng trăm năm nhưng chính được công nhận là làng nghề từ năm 2020. Đây cũng là giai đoạn làng nón Vĩnh Thịnh đã phải đối mặt ngay với sự khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, chính vì thế làng nghề luôn tranh thủ tận dụng thời gian để sản xuất, đảm bảo thu nhập cho gần 80% lao động trong thôn.
Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp, các làng nghề truyền thống trong đó có làng nón Vĩnh Thịnh vẫn còn phải đối diện với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Vĩnh Thịnh và các làng nghề khác luôn sẵn sàng phương án để vừa quay trở lại sản xuất, vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Thực hiện: Nguyên Hạnh – Trọng Đại
Mời quý vị xem các tin trong nước đã phát sóng tại đây./.