Lập quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ sao cho hiệu quả
Theo thống kê, từ năm 2009 đến hết năm 2023, toàn quốc đã xảy ra gần 380.000 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết hơn 124.000 người, bị thương gần 370.000 người. Trung bình hằng năm có gần 9.000 người chết, gần 30.000 người bị thương, trong đó chủ yếu ở độ tuổi lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội. Nhằm tạo cơ sở pháp lý đủ mạnh, rõ ràng để triển khai việc hỗ trợ nạn nhân TNGT. Mới đây, tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ mới nhất, Bộ Công an đã đề xuất bổ sung nội dung quỹ giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ.
Việc xây dựng quỹ giảm thiểu thiệt hại do TNGT đã được nhiều quốc gia khác trên thế giới thực hiện lâu nay và phát huy hiệu quả nguồn lực xã hội hóa ngoài ngân sách nhà nước. Thực tế cho thấy, nhiều vụ tai nạn giao thông, nạn nhân là lao động chính trong gia đình. Nếu tử vong hay bị thương tật, gia đình của nạn nhân sẽ rơi vào tình trạng khó khăn, túng quẫn.
Theo các chuyên gia, Quỹ Giảm thiểu thiệt hại tai nạn giao thông đường bộ được huy động từ nguồn xã hội hóa nhưng không phải hoạt động từ thiện mà được luật hóa trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, do đó sẽ phát sinh nhiều vấn đề như: Ai là người quản lý? Làm thế nào để sử dụng đúng mục đích trong từng hoàn cảnh cụ thể? Đồng thời, phải khắc phục nhanh, kịp thời hỗ trợ giúp cho nạn nhân và gia đình bớt đi khó khăn khi tai nạn giao thông xảy ra?
Rõ ràng mục đích của quỹ là mang giá trị nhân văn, tuy nhiên cách thức sử dụng quỹ như thế nào mới là vấn đề được quan tâm hơn cả. Làm sao để sử dụng nguồn quỹ theo nguyên tắc phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành nhưng phải kịp thời và công khai, minh bạch, hiệu quả. Tránh việc xảy ra thất thoát, thiên vị, không bình đẳng trong việc hỗ trợ các nạn nhân. /.
Thực hiện: Thu Hương – Trọng Khánh