Lịch sử chữ quốc ngữ, 1615-1919
Lịch sử chữ quốc ngữ, 1615-1919 của tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly, NXB Văn học xuất bản, Omega Plus phát hành, đã đạt giải Sách Hay 2024. Cuốn sách ra đời bắt nguồn từ luận án tiến sĩ của tác giả ở Đại học Sorbonne Nouvelle - Paris 3, năm 2018. Sách đúc kết khoảng 300 năm hình thành và phát triển của chữ quốc ngữ, từ dấu mốc khởi đầu vào năm 1615 - thời điểm các giáo sĩ dòng Tên - một dòng tu trí thức của Ki-tô giáo, tới truyền giáo ở Đàng Trong, đã dùng mẫu tự La-tinh ghi âm tiếng Việt để học tiếng Việt và giao tiếp với người Việt, cho đến thời điểm năm 1919, khi vua Khải Định chấm dứt khoa cử Hán học cuối cùng và chữ quốc ngữ dần trở thành chữ viết của Việt Nam
Cách đây hơn 50 năm, linh mục Đỗ Quang Chính đã viết cuốn Lịch sử chữ quốc ngữ, 1620 – 1659 dựa trên các tư liệu trong văn khố dòng Tên ở Roma. Nay, tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly tiếp cận được với những nguồn tư liệu mới hơn từ các văn khố không chỉ ở Roma (Italy) mà còn ở Paris (Pháp), Lisbon (Bồ Đào Nha), Madrid và Ávilla (Tây Ban Nha). Điều đó đã cho phép tác giả sưu tầm được nhiều tư liệu mới để tiếp nối nghiên cứu của những học giả đi trước như Léopold Cadière, Thanh Lãng, Nguyễn Khắc Xuyên, Đỗ Quang Chính và Roland Jacques. Bởi thế, công trình nghiên cứu của tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly được đánh giá là tác phẩm đầy đủ nhất từ trước đến nay về lịch sử hình thành và phát triển của chữ quốc ngữ.
Ngoài tác phẩm chính, tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly còn thực hiện một cuốn nữa có tiêu đề 100 câu hỏi về lịch sử chữ quốc ngữ nhằm giúp độc giả phổ thông có thể tiếp cận chủ đề này dễ dàng hơn./.
Thực hiện: Việt Hoa - Trọng Đại - Huyền Phương