Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc là ngôi chùa cổ nhất ở Tuyên Quang, được xây dựng vào năm 1107 dưới thời vua Lý Nhân Tông, tọa lạc tại thôn Bảo Ninh, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa. Chùa nằm ở địa thế cao ráo, xung quanh rợp bóng cây cối bốn mùa xanh mát, tạo nên không khí thanh tịnh, nghiêm trang.
Gần 1.000 năm qua, chùa Bảo Ninh Sùng Phúc gắn bó với mảnh đất Chiêm Hóa, là trung tâm sinh hoạt văn hóa của làng, trở thành một “chốn thiêng” không thể thiếu của người dân địa phương. Những ngày rằm, mùng 1 âm lịch hàng tháng, đặc biệt những ngày giáp Tết như hiện nay, chùa Bảo Ninh Sùng Phúc thu hút rất đông người dân và du khách thập phương về chiêm bái, lễ Phật.
Bên cạnh khung cảnh hữu tình, kiến trúc độc đáo thời Lý, chùa Bảo Ninh Sùng Phúc còn lưu giữ một Bảo vật quốc gia có ý nghĩa và giá trị lịch sử vô cùng to lớn, là bia đá Bảo Ninh Sùng Phúc, tài liệu thành văn cổ nhất được phát hiện tại Tuyên Quang và là một trong số rất ít các di vật thời Lý còn được nguyên vẹn cho tới ngày nay. Tấm bia được tạc bằng đá xanh nguyên khối, được đặt trên lưng một con rùa đá, trên khắc dòng chữ “Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi” (nghĩa là bia chùa Bảo Ninh Sùng Phúc).
Với ý nghĩa văn hóa và lịch sử, chùa Bảo Ninh Sùng Phúc là một điểm đến không thể bỏ qua trong định hướng phát triển du lịch tâm linh của huyện Chiêm Hóa nói riêng và Tuyên Quang nói chung.
Trải qua những thăng trầm của gần nghìn năm lịch sử, chùa Bảo Ninh Sùng Phúc đã được trùng tu, tôn tạo nhiều lần nhưng nền chùa xưa vẫn còn đó cùng với những cổ vật quý giá được giữ gìn nguyên vẹn, mãi là niềm tự hào của người dân Chiêm Hóa và điểm nhấn không thể bỏ qua trên hành trình du lịch tâm linh đầy tiềm năng của xứ Tuyên.
Anh Vũ - Anh Dũng
Mời quý vị xem các tin tức đã phát sóng tại đây./.