“Lỗ hổng” trong quản lý, sử dụng đất của Doanh nghiệp Nhà nước
Một trong những vấn đề nổi cộm được Kiểm toán nhà nước chỉ ra qua hoạt động kiểm toán đất đai của doanh nghiệp nhà nước gần đây, đó là có tổng công ty nhà nước có tới 87,7% diện tích đất đang sử dụng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê đất… Cùng với đó là tình trạng đất được nhà nước giao nhưng lại không thu tiền sử dụng, đất hết hạn nhiều năm nhưng không làm thủ tục ký hợp đồng thuê đất, hồ sơ đất.
Nhiều doanh nghiệp nhà nước còn để đất bị lấn chiếm, tranh chấp, để hoang hóa, chậm đưa đất vào khai thác sử dụng và thực hiện dự án, gây lãng phí nguồn lực đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích theo hợp đồng thuê đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp có các diện tích đất không còn nhu cầu sử dụng hoặc thuộc diện phải di dời nhưng không trả lại đất cho nhà nước mà tiếp tục cho thuê lại đất, liên doanh, hợp tác đầu tư không đúng mục đích sử dụng đất.
Kiểm toán nhà nước cũng chỉ rõ việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai của doanh nghiệp nhà nước với ngân sách nhà nước có nhiều tồn tại, hạn chế, vướng mắc do chưa được cơ quan thuế quản lý thu, xác định đơn giá cho thuê đất…
Theo Kiểm toán nhà nước, nguyên nhân trước hết là do yếu tố lịch sử. Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước được giao quản lý và sử dụng số lượng diện tích đất rất lớn, trải rộng trên phạm vi cả nước nên công tác quản lý, theo dõi, thống kê gặp nhiều khó khăn, trong đó nhiều diện tích đất đã sử dụng hàng chục năm nhưng không có đầy đủ hồ sơ pháp lý chứng minh nguồn gốc đất; tên gọi, tư cách pháp nhân của nhiều doanh nghiệp bị thay đổi bởi quá trình sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến việc thực hiện các thủ tục pháp lý về đất đai, chưa lập hồ sơ sắp xếp cơ sở nhà đất để đề nghị các cơ quan có thẩm quyền ký hợp đồng thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; lãnh đạo một số doanh nghiệp đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật hoặc cố tình vi phạm pháp luật để trục lợi, tham nhũng.
Để khắc phục bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai, Kiểm toán nhà nước cho rằng, cần thực hiện một số giải pháp khắc phục. Trước hết, các doanh nghiệp cần khẩn trương thực hiện hồ sơ pháp lý trình cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ký hợp đồng thuê đất, phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, đẩy mạnh việc thực hiện phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, phê duyệt phương án sử dụng đất để cổ phần hóa của doanh nghiệp; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc sử dụng đất, kiên quyết xử lý, thu hồi đất đai đối với các doanh nghiệp sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai...
Từ ngày 01/01/2025, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực, do đó, các văn bản hướng dẫn cần khẩn trương được ban hành để Luật đi vào cuộc sống, giúp khắc phục được các lỗ hổng, bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai, nhất là đối với lĩnh vực đất đai do doanh nghiệp nhà nước quản lý, sử dụng./.