Hơn 2 năm còn lại, liệu có thể hoàn thành mục tiêu đề ra? Và đâu là nguyên nhân khiến việc xóa lối đi tự mở khó thành? trách nhiệm của ngành đường sắt và các địa phương ra sao để đẩy nhanh tiến độ?
Chỉ khoảng 4 km tuyến đường sắt Bắc Nam đi các phố Lê Duẩn (quận Hai Bà Trưng), Giải Phóng (quận Hoàng Mai), Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì) của TP Hà Nội, có rất nhiều lối đi dân sinh tự mở lớn nhỏ băng qua đường sắt. Các lối mở này chủ yếu là do các hộ dân sinh sống dọc tuyến đường sắt tự mở để tiện di chuyển tắt ra đường bộ hoặc đi vào các ngõ xóm có đông các hộ dân sinh sống, nên có đặc điểm chung là dốc về hai bên lên xuống đường sắt.
Từ năm 2015 đến nay, TNGT liên quan đến đường sắt đã giảm dần cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy vậy, các vụ TNGT xảy ra tại các lối đi tự mở vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn, từ 37-48%. Trong số hơn 100 vụ TNGT đường sắt trong 8 tháng đầu năm nay, có đến 50 vụ (chiếm 42%) xảy ra tại các lối đi tự mở. Điều đó cho thấy, việc xóa các đường ngang dân sinh trái phép sẽ góp phần giảm rất sâu số vụ TNGT liên quan đến đường sắt.
Sau hơn 2 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng, đến nay, nhiều địa phương vẫn chưa lập kế hoạch, lộ trình tổng thể xóa bỏ lối mở qua đường sắt hoặc đã triển khai nhưng tiến độ “ì ạch”. Hàng loạt vụ tai nạn đường sắt tại các lối tự mở thời gian qua đã và đang gây bức xúc dư luận, báo động về công tác giám sát và xử lý vi phạm, nhưng công tác quản lý dường như vẫn “bỏ ngỏ”.
Thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2022, cả nước mới xóa bỏ được hơn 400 lối mở, vẫn còn tồn tại trên 3.600 lối mở. Các chuyên gia giao thông cho rằng, đã đến lúc cần quy định rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp đối với hành lang ATGT đường sắt và phải thực thi nghiêm với những địa phương không hoàn thành nhiệm vụ.
Thực hiện: Thu Hương – Quốc Hùng