Lớp học nhân văn cho những cuộc đời lầm lỗi
Cũng ê a đánh vần từng chữ cái như trẻ mới vào tiểu học, những phạm nhân này say sưa theo từng lời của những “thầy cô” trong cảnh phục xanh. Các học sinh trong lớp học đặc biệt này tuổi từ 20 đến 60, thuộc nhiều dân tộc, hầu hết là dân tộc thiểu số và phần lớn là trọng phạm nguy hiểm. Và họ đều có điểm chung là không biết chữ, không biết đọc, viết trước khi vào trại.
Xóa mù chữ cho phạm nhân là dạy nhận biết mặt chữ, dạy tập đọc, và cũng phải uốn nắn từng nét chữ không khác gì với học sinh lớp 1.
Việc xóa mù chữ cho người lớn tuổi đã khó, nhưng với người lớn tuổi là dân tộc thiểu số không biết tiếng phổ thông lại có tư tưởng không thông suốt thì càng khó khăn hơn. Theo các quản giáo – giáo viên tại đây, những người tội nặng, án cao, không muốn cải tạo thì rất khó khăn trong việc dạy học chứ chưa nói đến việc tuyên truyền pháp luật hay nói về lý lẽ phải trái.
Lớp xóa mù chữ cho các phạm nhân ở đây được tổ chức đều đặn vào thứ 7 và chủ nhật hàng tuần. Theo các quản giáo, việc không biết chữ là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến vi phạm pháp luật và hậu quả phải vào đây để cải tạo. Vì thế, thông qua việc học tập để các phạm nhân hiểu được lý lẽ, có những suy nghĩ theo chiều hướng tích cực, xác định quyết tâm học là để cho chính bản thân mình là một trong những yếu tố quan trọng và cần thiết trong quá trình giáo dục, cải tạo tại trại giam, từ đó giúp họ cải tạo tốt, sớm được trở về đoàn tụ với gia đình và trở thành người có ích cho gia đình, xã hội./.
Thực hiện: Cao Thắng, Trọng Khánh