Khi không thể tự mình đặt vé cho một show diễn cả nghệ sĩ mà bạn yêu thích, chỉ cần tìm kiếm các từ khóa như săn vé, pass vé, trao đổi vé…. Ngay lập tức bạn đã có vô vàn những hội nhóm bán vé hiện ra để bạn lựa chọn.
Có người tìm mua…
Ắt có người bán vé…
Thế nhưng sau khi đã thuận mua, vừa bán bạn cũng bị từ chối check – in vì vé của bạn đã có người check – in trước.
Hay như bạn trẻ này, dù đã có được mọi thông tin của người bán nhưng vẫn chịu mất tiền vì không thể tìm được “đối tác” bán vé show Born Pink tại Hà Nội.
Theo chuyên gia, các đối tượng đã rất tinh vi khi đánh vào tâm lý những người hâm mộ đang tìm mọi cách để có thể sở hữu vé và ngắm nhìn thần tượng trực tiếp để thực hiện hành vi lừa đảo. Vì thế, ngoài việc người dân cần cảnh giác với những chiêu trò lừa đảo của các đối tượng trên không gian mạng và sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền, thì đơn vị tổ chức, bán vé, cũng cần có những biện pháp để hoàn thiện quy trình tổ chức, bán vé sao cho ưu việt và hạn chế được tối đa những lỗ hỏng để kẻ xấu lợi dụng.
Trong bối cảnh công nghệ phát triển, mọi cuộc mua bán, trao đổi đều có thể thực hiện dễ dàng trên không gian mạng, tội phạm công nghệ cũng vì thế ngày càng nhiều và tinh vi, điều đó đặt ra thực tế chúng ta cần phải có sự điều chỉnh về hành lang pháp lý để những đối tượng xấu phải dè chừng khi thực hiện hành vi phạm tội và người dân cũng an tâm thực hiện giao dịch.
Chiêu trò lừa đảo giả mạo các trang web bán vé show lớn, một vé bán cho nhiều người, hay nhận cọc rồi biến mất không phải mới nhưng cũng đã để lại những hệ lụy đáng kể. Trước thực tế này, Cục An ninh Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác và hết sức cẩn trọng khi thực hiện bất cứ giao dịch mua bán nào trên mạng xã hội, bình tĩnh, sáng suốt, chờ những thông tin chính thức từ Ban Tổ chức thay vì sốt sắng dẫn đến “tiền mất tật mang” mắc bẫy lừa đảo trực tuyến./.
Thực hiện: Vân Anh – Trọng Khánh