Luật Đất đai (sửa đổi): Đã “thể chế hoá” rõ nét Nghị quyết số 18 của ban chấp hành Trung ương Đảng
Có thể nói, chưa có một dự án Luật nào được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu như dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Trước khi được thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 vừa qua, dự án Luật đã được trình Quốc hội xem xét ở các kỳ họp thứ 4, 5 và thứ 6; đưa ra thảo luận tại 2 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, 8 phiên họp chính thức của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học, các đối tượng chịu sự tác động và đặc biệt là hơn 12 triệu lượt ý kiến của nhân dân.
Với hàng trăm điểm mới so với Luật Đất đai 2013, Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã bổ sung nhiều quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền hợp pháp của người dân; quy định cụ thể, chi tiết các trường hợp thu hồi đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội, an ninh quốc phòng...
Đặc biệt, theo các đại biểu, điều quan trọng nhất đó là Luật đã thể chế hoá rõ nét tinh thần Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương lần thứ 5 trong việc xây dựng thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trải qua một quy trình đặc biệt, chưa có tiền lệ trong lịch sử lập pháp của nước ta, Quốc hội đã thể hiện tâm huyết, trách nhiệm và sự cẩn trọng đặc biệt trong quá trình xây dựng Luật đất đai (sửa đổi). Việc thông qua luật với tỷ lệ biểu quyết tán thành ở mức cao đã cho thấy, sự đồng lòng, nhất trí của các đại biểu Quốc hội trong việc tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho phát triển đất nước.
Thực hiện: Huy Vinh - Quốc Hùng