Video Tin trong nước

Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã tháo gỡ điểm nghẽn về mặt thể chế

Sáng 06/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi). Góp ý kiến vào dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), các ĐBQH nhất trí với sự cần thiết sửa đổi luật, nhằm tháo gỡ điểm nghẽn về mặt thể chế, tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh.

20:20 - 06/11/2024

LUẬT ĐẦU TƯ CÔNG (SỬA ĐỔI) ĐÃ THÁO GỠ ĐIỂM NGHẼN VỀ MẶT THỂ CHẾ

Các đại biểu đều nhất trí rằng, việc sửa đổi Luật đã tháo gỡ được những ách tắc, khó khăn hiện nay trong phát triển kinh tế - xã hội. Nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công đã cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện những nhóm chính sách lớn, thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền. 

Dự thảo Luật (sửa đổi) lần này đề xuất tăng mức vốn để xác định tiêu chí dự án nhóm A, B, C và dự án quan trọng quốc gia, trong đó, tiêu chí vốn để xác định dự án quan trọng quốc gia tăng 3 lần (từ 10.000 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, việc tăng gấp 3 lần là chưa rõ cơ sở, đề nghị cân nhắc quy mô dự án quan trọng quốc gia tăng lên 2 lần, cho tương đương với mức tăng của quy mô nền kinh tế và như mức tăng của các dự án nhóm A, B, C. 

Một điểm “đột phá” quan trọng trong dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) là cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án (Luật Đầu tư công hiện hành chỉ cho phép tách riêng giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với dự án quan trọng quốc gia và dự án nhóm A), góp phần gỡ vướng công tác giải phóng mặt bằng hiện nay.

Nhất trí với việc cần đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tạo chủ động, linh hoạt trong công tác quản lý đầu tư công, một số đại biểu cho rằng, cần phải bảo đảm nguyên tắc phân công, phối hợp kiểm soát quyền lực theo quy định của Hiến pháp, pháp luật; nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy trong quản lý đầu tư công. Phân cấp, phân quyền phải phù hợp với vai trò, chức năng, nhiệm vụ và khả năng, điều kiện tổ chức thực hiện. 

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, việc phân cấp, quyết định chủ trương đầu tư không thể quyết định một cách tràn lan, tùy tiện mà phải phù hợp với quy hoạch cũng như khả năng cân đối; cần nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động, đặt trong tổng thể trách nhiệm của tập thể và cá nhân. 

Làm rõ hơn về nội dung được các ĐBQH quan tâm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong quyết định chủ trương đầu tư dự án sẽ góp phần giảm cơ chế xin cho, tiết kiệm thời gian triển khai dự án... Tuy nhiên, cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, địa phương trong tổ chức thực hiện. Cơ quan soạn thảo dự án Luật sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan tiếp thu tối đa các ý kiến của các ĐBQH để có phương án hiệu quả, tối ưu nhất trong việc phân cấp, phần quyền cho các địa phương quyết định chủ trương đầu tư dự án./.

Thực hiện: Thu Hương – Quốc Hùng