Video Tin trong nước

Lưu giữ “hồn Việt” qua gốm phù điêu

Kế thừa truyền thống của ông cha và sự khéo léo, tinh thế trong chế tác, tạo hình, nghệ nhân Phạm Văn Tuyên (Đại đức Thích Chánh Tịnh) đã tạo nên một dòng gốm khác biệt và đặc sắc - Gốm Phù điêu.
19:43 - 30/01/2022

Kết tinh từ đất, nước, lửa và sự khéo léo của bàn tay con người, Gốm là một trong những chứng tích, di sản vật thể đặc sắc của nền văn minh lúa nước.

Xưởng gốm Phù Điêu của Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên (Đại đức Thích Chánh Tịnh) nằm trong một con ngõ nhỏ ở Thôn 3, xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng. Nét độc đáo trong gốm phù điêu của Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên thể hiện ở chỗ, mỗi sản phẩm đều là độc bản, mang phong cách đặc trưng riêng của nghệ nhân từ khâu chế tác, tạo khuôn âm bản đến quá trình nặn khắc tinh xảo, công phu... 

Tất cả được làm thủ công. Những sản phẩm gốm phủ men gio, nung củi hoàn toàn theo công thức thuần Việt từ ngàn xưa cha ông để lại. 

Với mong muốn phục dựng, tái hiện đồ tế tự cổ xưa bằng chất liệu gốm sứ nên từ khi còn tu hành ở chùa Đống Phúc (Thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh), nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Tuyên đã có những hiểu sâu sắc về văn hóa Việt cổ trong lĩnh vực điêu khắc và kiến trúc. Khi bắt đầu chế tác đồ gốm, sự tìm tòi của ông tập trung ở ngôn ngữ gốm nặn đắp và điêu khắc, từ đó tạo nên dòng gốm riêng biệt - gốm phù điêu. 

Những bộ chân đèn mang phong cách triều Lê, triều Mạc, những bình gốm trang trí họa tiết hoa cúc, hoa sen tiêu biểu thời Lý, Trần; bộ “Cửu Long tranh châu”... đến những bức tượng các danh nhân văn hóa như: Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, Vua Lê Đại Hành, Vua Lý Thái Tổ...., tất cả đều toát lên nồng đậm giá trị truyền thống của dân tộc và được Nghệ nhân thể hiện sống động qua các họa tiết, hoa văn được khắc tinh xảo trên từng sản phẩm.

Nét đặc trưng, khác biệt của gốm phù điêu không chỉ đơn thuần là vẽ màu men trên mặt phẳng mà là nặn đắp điêu khắc khối nổi rồi mới đưa đi nung. Nghệ nhân Phạm Văn Tuyên chia sẻ: Tạo hình đẹp là cái gốc của mỹ thuật, điều quan trọng là làm thế nào để các chi tiết đắp nổi khi qua nhiệt độ cao không bị biến dạng, hư hỏng.

Mỗi tác phẩm gốm là lời tâm tình của đất, của lửa, của nước, của những sẻ chia, tiếp nối mạch nguồn văn hóa truyền thống của ông cha, lưu giữ hồn cốt dân tộc. Các họa tiết được thể hiện ngập tràn âm sắc thiên nhiên, của đất trời.

Năm 2020, nghệ nhân Phạm Văn Tuyên (Đại đức Thích Chánh Tịnh) được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” vì đã có nhiều cống hiến trong giữ gìn và phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống. Các sản phẩm gốm phù điêu được giới thiệu rộng rãi, để người dân trong nước và bạn bè thế giới biết đến và hiểu hơn về những giá trị văn hóa thuần Việt, về sự sáng tạo không ngừng nghỉ và tình yêu với đất của một con người tài hoa.

Thanh Nga/VOV Đông Bắc

Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.