Một cuốn sách kể về những người mẹ đã đi qua những giai đoạn khó khăn của đất nước một cách nhẹ nhàng, họ hun đúc lên những người con tài đức vẹn toàn, đóng góp vào nhiều lĩnh vực trong xã hội. Tuyển tập gồm nhiều thể loại của nhiều tác giả nổi tiếng như nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nguyễn Quang Thiều, Hữu Việt, Nhà văn Bảo Ninh, Đỗ Phấn, Hồ Anh Thái, Nguyễn Thị Thu Huệ và nhiều Nhà thơ, Nhà văn tên tuổi khác.
Ở cuốn sách "Mẹ và con - Tình mẹ con của những người nổi tiếng", bạn không tham vọng nói được điều gì mới về tình mẫu tử, chỉ ngõ hầu khơi lại cái nguồn vĩ đại vô tận ấy thông qua hình ảnh những người mẹ Việt Nam cụ thể. Họ là trí thức, là tiểu thương, là nông dân, họ ở nông thôn, ở thành thị, ở miền núi, họ thế gia, họ bình dân, họ “người không chữ”… Và còn là biết bao nhiêu những khác biệt về hoàn cảnh, số phận, thời đại sống… nhưng đồng quy ở một điểm là mẹ của những người con trên dải đất hình chữ S.
Trong cuốn sách, có bài viết của Nhà thơ Trần Đăng Khoa rất xúc động về Mẹ của nhà thơ Trần Đăng Khoa đã ra đi nhưng những câu chuyện về mẹ cứ hiển hiện như mới ngày hôm qua. Mẹ nhịn ăn, nhịn mặc, nhưng tiền mẹ tích góp cho con cháu, họ hàng xa gần vay. Vậy mà trước ngày mẹ ra đi, mẹ yêu cầu con cái đốt sổ nợ, với ước nguyện xóa nợ cho họ hàng, bạn bè, hàng xóm đã từng vay mẹ. Hay câu chuyện tương tự cũng đã được nhà văn Nguyễn Quang Thiều kể về mẹ mình trong truyện "còn ai thương con như mẹ".
Cách nhìn cuộc sống của mẹ nhà thơ Trần Đăng Khoa mang đậm dấu ấn dân gian, tôn trọng sự sống, tôn trọng cả những sự vật tưởng như vô tri, coi chúng có ý thức và đời sống riêng giống như con người, gieo vào lòng chú bé Trần Đăng Khoa những hạt mầm nhân ái. Qua năm tháng, những hạt mầm ấy cùng bao câu ca dao, dân ca, chuyện cổ tích, truyện thơ Nôm mà người mẹ đã thủ thỉ hàng đêm, trong tiếng võng đưa đều đều, tiếng giường tre cót két, tiếng muỗi kêu vo ve nơi mái gianh lụp xụp, góp phần không nhỏ vào quá trình hình thành cảm xúc tâm hồn của cậu bé Trần Đăng Khoa.
Cuốn sách Mẹ và con bạn không tham vọng nói được điều gì mới về tình mẫu tử, song mỗi nhân vật "con" trong sách chọn cho mình một điểm nhìn về mẹ để mà kể, mà rưng rưng. Những mảng ký ức người con lần hồi trong cõi nhớ về mẹ mang tự tình cá nhân, nhưng vẫn đầy ăm ắp ký ức của cả một thời đoạn, với những khúc quanh mà lịch sử dân tộc đã kinh qua.
Chính vì thế mà có nhiều khi, di sản mẹ để lại cho các con là cả những bài học lý trí - như một cách sống, cách ứng xử với cuộc đời - để rồi sau này trở nên hành trang thiết thân cho các con ra đời với tròn trịa nhân cách. Những bà mẹ Việt Nam thương chồng, yêu con khéo lo toan vun vén như thế ấy, đã gánh trên vai mình cả bao nhọc nhằn, truân chuyên của mưa nắng thời cuộc.
Thực hiện: Mai Lan - Đức Thành
Mời quý vị xem các tin trong nước đã phát sóng tại đây./.