“Mơ Rồng” kể lại giấc mơ của một nghệ sỹ tạo hình các nhân vật rối, trong một đêm làm việc và sáng tạo miệt mài đã ngủ thiếp đi giữa những nhân vật rối đang dần hoàn thiện của mình. Trong giấc mơ, nghệ nhân đã thấy Tễu và Rồng thực hiện hành trình vòng quanh trái đất, tới châu Mỹ, châu Phi... tìm cách giải quyết các vấn đề nóng bỏng của nhân loại như biến đổi khí hậu, bắt cóc trẻ em, rác thải công nghệ, bệnh tật đói nghèo... Vở diễn kết thúc với lễ hội hòa bình, nơi Tễu và Rồng mời bạn bè từ khắp bốn biển, năm châu cùng vui hội quanh hồ Hoàn Kiếm, tại Thủ đô Hà Nội "Thành phố vì hòa bình".
Điều khiến “Mơ rồng” hấp dẫn khán giả là không gian của vở diễn không chỉ gói gọn trong bể nước, nơi thể hiện các tích trò rối nước cổ hay buồng trò, mà diễn ra rộng khắp toàn bộ khán phòng. Con rối không chỉ xuất hiện trước mặt người xem mà còn ở hai bên khán đài khiến họ bị bất ngờ và tò mò với các màn diễn giữa các con rối. Bên cạnh đó còn là hiệu ứng âm thanh hiện đại làm nền tảng cho tiết tấu và tạo dựng không gian, khơi dậy nguồn cảm hứng cho diễn viên biểu diễn với nhiều loại hình rối kết hợp như rối nước, rối dây, rối lốt và rối que.
Tuy nhiên, vở diễn vẫn bộc lộ những hạn chế như tính xâu chuỗi diễn biến trong câu chuyện còn chưa gắn kết, mạch lạc, cách xử lý chưa khéo khi đưa con rối nước lên sân khấu cạn biểu diễn dẫn đến hiệu quả, kỹ thuật điều khiển con rối có phần nghèo nàn lặp đi lặp lại.
Với những thử nghiệm đầy táo bạo, “Mơ rồng” chính là ước mơ và hy vọng của các nghệ sỹ rối nước, những người vốn chỉ thầm lặng đứng sau tấm mành tre, lại trở thành những diễn viên tràn đầy năng lượng và cảm xúc, với kỹ thuật thể hiện hiện đại.
Mời quý vị xem các bản tin Văn hóa - Du lịch đã phát sóng của Vietnam Journey tại đây./.