Năm nay đã ngoại thất tuần thế nhưng bà Neang Vui ở xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang cũng không thể nhớ nổi nghề làm gốm xuất hiện ở đất này từ khi nào. Trong trí nhớ của bà, gia đình đã có 3 đời làm gốm, còn trước đấy có làm hay không thì bà cũng không được biết.
Nghề làm gốm là một nghề truyền thống của bà con dân tộc Khmer ở huyện Tri Tôn, nghề được giữ gìn theo hình thức “mẹ truyền con nối”, nghĩa là chỉ những người phụ nữ trong gia đình mới làm gốm và thường tranh thủ làm vào lúc nông nhàn.
Gốm của người Khmer đơn giản từ khâu chế tác đến sản phẩm. Đất làm gốm được lấy từ đất núi, sau khi đem về loại bỏ tạp chất thì được đem nhào nước, phơi nắng gió, nặn thành hình rồi mới đem nung. Người Khmer không nung gốm trong lò như thường thấy mà thường dựng bếp bằng rơm, rạ hay các cành cây kiếm được quanh nhà. Sau khi bếp tắt thì cứ ủ như thế cho đến khi gốm chắc mới dỡ ra đem bán.
Thời cuộc đã làm cho nghề gốm ở Tri Tôn mai một dần. Lớp trẻ phần nhiều bỏ quê hương ra các thành phố lớn tìm việc. Số hộ gia đình còn làm nghề giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Đa dạng hóa các sản phẩm gốm; tìm cách đưa gốm Khmer Tri Tôn sang Lào, Campuchia và các nước lân cận để tiêu thụ; gắn nghề làm gốm với phát triển du lịch... đang là những biện pháp được áp dụng ở Tri Tôn để giữ gìn nghề làm gốm của đồng bào dân tộc Khmer nơi đây với hi vọng những bếp nung gốm không bao giờ tắt lửa ở mảnh đất này.
Thực hiện: Nguyên Hạnh – Trọng Đại
Mời quý vị xem các tin trong nước đã phát sóng tại đây./.