Mối nguy hiểm từ bệnh trầm cảm “cộng đồng”
Người phụ nữ này năm nay 50 tuổi, dù gia đình có đầy đủ chồng con và cháu ngoại nhưng nhiều lần lại có ý định quyên sinh, chỉ vì biến động trong cuộc sống mà bà thấy khó thích nghi, thấy chán nản ngay cả những điều từng là sở thích của mình.
Những ngày dài mất ngủ - Những nỗi buồn vô cớ - Những cáu giận không căn nguyên, dẫn tới tạo khoảng cách với tất cả những người thân xung quanh, khiến bệnh tình càng trở nên trầm trọng.
Tại Việt Nam, 14,9% dân số (khoảng 15 triệu người) bị mắc các rối loạn về tâm thần. Trong đó, tỷ lệ bị trầm cảm, lo âu chiếm tới 5,4% dân số. Tuy là căn bệnh nhiều người mắc phải nhưng đa phần đều không tìm được đúng căn nguyên và điều trị tận gốc một cách hiệu quả, gây ra những hậu quả đau lòng.
Không hề hiếm gặp những người mắc rối loạn trầm cảm trong cộng đồng ở thời đại công nghiệp hóa – hiện đại hóa, khi mà nhịp sống ngày càng gấp gáp, con người xa cách nhau và áp lực cuộc sống ngày càng tăng lên.
Đối với rối loạn trầm cảm nếu chỉ dùng thuốc thì không những khó có thể chữa trị được tận gốc của bệnh mà còn có thể gây ra những ức chế về thần kinh cho bệnh nhân.
Để phòng tránh bệnh trầm cảm, mỗi người cần phải có lối sống lành mạnh và suy nghĩ tích cực, không làm việc quá sức, luyện tập thể dục thể thao hằng ngày. Trong cuộc sống nên loại bỏ những mối quan tâm không cần thiết với bản thân, tạo thêm niềm vui mỗi ngày từ những việc xung quanh mình. Đồng thời, cần trang bị những kiến thức cơ bản về trầm cảm để có thể chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân trong gia đình được tốt hơn./.
Thực hiện: Hữu Quảng - Trọng Đại