Đây là hình ảnh 2 công trình Trạm phát sóng Bạch Mai đang được Đài TNVN đề nghị thành phố Hà Nội phối hợp để bảo tồn di tích lịch sử văn hóa cấp thành phố. Tại nơi đây đã phát sóng bản Tuyên ngôn độc lập lần đầu tiên ra cả nước và thế giới vào giờ khắc lịch sử trưa 7/9/1945.
Nhưng giờ đây, một trong 2 công trình đã bị phá hủy như thế này.
Trớ trêu thay, đơn vị tiến hành vụ đập phá diễn ra vào chiều ngày 9/2 vừa qua lại là một doanh nghiệp mang danh văn hóa – Công ty cổ phần xây dựng thương mại và dịch vụ văn hóa, đơn vị được giao quản lí tòa nhà một tầng này.
Tại cuộc làm việc với các phóng viên của Đài TNVN và các cơ quan chức năng chiều nay 20/2, đại diện của Công ty này giải thích về vụ việc như sau: Cái sai của Công ty Cổ phần xây dựng thương mại và dịch vụ văn hóa về mặt đập phá công trình nhà một tầng này là đã rõ ràng khi đây không phải là nhiệm vụ mà đơn vị phải làm.
Tuy nhiên, không chỉ đơn thuần là việc sai phạm về mặt xây dựng khi mà từ cuối năm 2019, 2 công trình nằm trong Trạm phát sóng Bạch Mai đã trở thành một trong những vấn đề nóng của thành phố và dư luận báo chí về việc cần cấp thiết bảo tồn công trình mang giá trị lịch sử cao. Không thể nói là Công ty Cổ phần xây dựng thương mại dịch vụ Văn hóa không biết về giá trị lịch sử của công trình này.
Ngày 17/12/2019, Tổng Giám đốc Đài TNVN đã có công văn số 3231 gửi UBND thành phố HN về việc phối hợp bảo tồn di tích lịch sử trạm phát sóng Bạch Mai. Đáp lại đề nghị của Đài TNVN, ngày 9/1/2020 thành phố Hà Nội cũng đã có Văn bản số 99 giao Sở xây dựng chủ trì, phối hợp với sở qui hoạch, kiến trúc, văn hóa thể thao, UBND quận Hai Bà Trưng nghiên cứu việc bảo tồn cụm công trình này.
Sau khi lập đoàn kiểm tra, rà soát, ngày 20/1/2020, sở Xây dựng Hà Nội đã có công văn số 748 gửi UBND thành phố HN nội dung đề nghị giao sở VH và TT kiểm tra, hướng dẫn UBND quận Hai Bà Trưng và chủ quản lý sử dụng chỉnh trang công trình, lập bia hoặc biển chỉ dẫn và hồ sơ trình thành phố ra quyết định công nhận di tích.
Tuy nhiên, trong khi công việc tưởng như đang trôi chảy thì công trình đã bị phá hủy nghiêm trọng, chỉ còn lại đống đổ nát như thế này.
Việc đập phá đã bị dừng lại, đơn vị có hành vi sai trái sẽ phải bị xử lí. Tuy nhiên, một công trình mang giá trị lịch sử đã trở thành một đống hoang phế trong một buổi chiều.
Phía quận Hai Bà Trưng đã có yêu cầu Công ty sai phạm khôi phục lại nguyên trạng công trình. Tuy nhiên, ai cũng thấy rằng, việc xây dựng lại một tòa nhà một tầng không khó, nhưng những giá trị lịch sử đã thấm đẫm trong từng viên gạch, từng viên ngói, từng căn phòng đã bị đập bỏ thì khó công ty nào có thể trả lại nguyên trạng được.
Đây cũng là bài học đau xót cho việc giữ gìn các công trình mang giá trị văn hóa lịch sử. Cần phải tiến hành ngay những biện pháp giữ gìn ngay cả khi công trình còn đang trong quá trình lập hồ sơ di tích./.
Mời quý vị xem các Bản tin Văn hóa - Du lịch đã phát sóng của Vietnam Journey./.