“Lập loè cây gạo ra hoa
Nghe trong sâu thẳm cây đa, đình làng
Ẩn trong tiềm thức mơ màng
Một vùng quê, một mùa vàng bội thu”
Có lẽ không hình ảnh nào gợi nhớ về làng quê Việt Nam hơn là cây gạo, loài cây thân gỗ thường cao khoảng 15-20m với lớp vỏ ngoài sần sùi màu xám nâu. Đến khi vào mùa, những ngày tháng 3 này, hoa trổ đầy cành tựa những đốm lửa đỏ rực rỡ căng tràn sức sống thanh xuân kiêu hãnh. Hoa gạo cũng đi vào thi ca, nhạc họa, nghệ thuật nhiếp ảnh như một niềm cảm hứng bất tận.
Có một điều đặc biệt ở hoa gạo là tuy rằng vòng đời của hoa rất ngắn ngủi chỉ kéo dài vài ngày, nhưng khi lụi tàn, hoa dù rụng xuống vẫn giữ được màu sắc đỏ rực không hề phai tàn hay héo úa như những loại hoa khác. Chẳng những vậy, hoa không rơi rớt từng cánh trong sự lẻ loi tàn tạ mà rụng nguyên cả bông đầy kiêu hãnh, mang một vẻ quyến rũ đến lạ kỳ.
Mùa hoa gạo là một món quà tháng 3 đặc biệt đối với người dân thủ đô Hà Nội với nhiều địa điểm thu hút đông người dân đến tham quan, chiêm ngưỡng mỗi khi hoa gạo vào mùa: chùa Thầy, đường Giải phóng, bảo tàng lịch sử quốc gia... Với những người quê ở Gia Lai như sinh viên Trần Dương Kiều My, hoa gạo mang một vẻ đẹp rất riêng.
Không ra hoa quanh năm, cũng không trổ hoa vào đúng tiết xuân rực rỡ như phần lớn các loài hoa khác, hoa gạo mỗi năm chỉ nở đúng một lần và cháy hết mình vào những ngày tháng 3. Thế nhưng dù chỉ thoáng qua, những bông gạo cháy vẫn hết mình ấy cũng khiến người ta nhung nhớ, mong chờ để rồi chìm đắm trong một miền ký ức xa xôi về một làng quê hoài niệm thuở nào.
“Miền quê nơi ấy tháng 3
Sông xưa bến cũ giờ xa lắm rồi
Xuân đi về mãi cuối trời
Để cho hoa gạo rụng rơi đỏ màu”.
Anh Vũ – Quốc Hùng
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.