Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, toàn thành phố hiện có 130 tuyến buýt được trợ giá, với tổng số gần 2000 xe. Số phương tiện sử dụng năng lượng xanh là 220 xe, chiếm tỷ lệ 11% cơ cấu phương tiện. Trong đó số lượng xe buýt sử dụng động cơ dầu diesel vẫn chiếm tỉ lệ lơn là 89%. Theo ý kiến của nhiều người dân, với đô thị ngày càng phát triển, chủ trương sử dụng phương tiện vận tải công cộng năng lượng xanh sẽ là xu thế để đảm bảo tốt cho môi trường, khí hậu và sức khỏe của người dân.
Xu hướng và hiệu quả là thế, nhưng hiện nay vẫn còn khá nhiều vướng mắc khi bắt tay vào thực hiện. Đặc biệt là vấn đề chi phí chuyển đổi hiện đang rất cao, bởi không chỉ là thay thế những xe chạy dầu bằng chạy điện, mà nó còn là hạ tầng trạm sạc, bến bãi,... Nhất là khi theo mức giá khảo sát hiện nay, 1 xe bus điện có mức giá giao động từ 7 đến 7,5 tỷ đồng ... gấp khoảng 3 lần xe chạy bằng dầu diesel hiện nay.
Bên cạnh đó, để kế hoạch chuyển đổi năng lượng xanh trong hoạt động vận tải hành khách công cộng đảm bảo tính hiệu quả, theo một số chuyên gia, thành phố Hà Nội cũng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thậm chí cũng cần phải thí điểm sau đó mới triển khai đồng bộ khi có phương án tốt nhất.
Thực tế, có rất ít nhà sản xuất phương tiện này, tại nước ta chỉ có 1 đơn vị nhập khẩu và lắp ráp loại xe bus này. Bên cạnh đó, việc trợ giá, duy trì tính ổn định cho cả mạng lưới giao thông công cộng không phải là chuyện đơn giản, đòi hỏi chi phí ngân sách rất lớn của TP Hà Nội. Do vậy, các chuyên gia đánh giá vẫn còn rất nhiều rào cản trong quá trình chuyển đổi và cần có lộ trình thực hiện phù hợp./.
Thực hiện: Thu Hương – Quốc Hùng
Mời quý vị xem các tin tức trong nước đã phát sóng tại đây./.